Ðiều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, giáo viên thể chất

Cần một quyết định hợp tình, hợp lý

Chính phủ vừa giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể việc đưa nhóm giáo viên mầm non (GVMN), giáo viên thể chất (GVTC) vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Theo đó, các thầy, cô giáo dạy mầm non, thể dục có thể sẽ được nghỉ hưu sớm ở tuổi 57 với nam và 55 với nữ.

Cô giáo Hoàng Thị Vân và các học sinh Trường mầm non Hà Lầm, TP Hạ Long (Quảng Ninh).
Cô giáo Hoàng Thị Vân và các học sinh Trường mầm non Hà Lầm, TP Hạ Long (Quảng Ninh).

Tuổi cao, áp lực lớn

Văn phòng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/TB-VPCP ngày 1-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ về kết luận Hội nghị làm việc của Thủ tướng Chính phủ và Ðoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với chủ đề bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân lao động. Trong Chỉ thị có giao Bộ LÐ-TB&XH nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể việc đưa nhóm GVMN, GVTC vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trên cơ sở kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Bình luận về vấn đề này, NGƯT Ðặng Lộc Thọ (thành viên Tiểu ban Giáo dục mầm non - Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực) cho rằng, đặc thù nuôi dạy trẻ mầm non đòi hỏi sự chi tiết về dạy và nuôi, khiến công việc của các GVMN rất nhiều và vất vả. Do dạy học lứa tuổi này vừa phải dạy và dỗ, cả múa hát cùng các cháu nên đến tuổi 50, nhiều người sẽ gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, trước yêu cầu ngày càng cao của chất lượng nuôi dạy trẻ, việc các cô giáo lớn tuổi dạy lớp học với 20 học sinh là điều khó bảo đảm chất lượng, đó còn chưa kể những nguy cơ khác dẫn đến thiếu an toàn cho trẻ.

Thực tế cho thấy, cùng với bất cập khi tuổi cao, lương thấp, chính sách hỗ trợ chưa thật sự phù hợp, việc GVMN chịu nhiều áp lực công việc, thường xuyên phải làm thêm giờ… đã và đang tạo rào cản để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. Theo phân tích của các chuyên gia, mức lương phổ biến hiện nay của GVMN vào khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, nếu trừ đi tiền đóng bảo hiểm xã hội, thì thu nhập hằng tháng của họ chẳng còn là bao. Trong khi đó, công việc lại khá nặng nhọc, phải đi sớm về muộn, vừa phải dạy, vừa phải chăm trẻ, rất vất vả. Áp lực công việc càng cao khi ở nhiều nơi lớp học quá tải. Ðiều này càng khiến mong muốn được nghỉ hưu sớm của các GVMN, GVTC trở thành yêu cầu chính đáng.

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng: Các kết quả phân tích đều cho thấy tuổi cao ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy trẻ ở các cơ sở GDMN. Các cô vào độ tuổi ngoài 50 sẽ bị hạn chế nhiều khi thực hiện các thao tác chuyên môn như múa, hát, hướng dẫn hoạt động thể lực, chạy, nhảy, thị phạm cho học sinh. Cần phải thấy, Chương trình GDMN không chỉ bó hẹp ở chăm trẻ, còn phải đáp ứng được yêu cầu của nhiều chương trình chuẩn quốc tế cũng trở thành thách thức với các cô giáo cao tuổi. Trong khi đó, định mức quy định và thực tế giờ làm việc của GVMN khoảng 10 giờ mỗi ngày, được các chuyên gia đánh giá là "cường độ làm việc khá cao", nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy trẻ. GVMN đang vừa phải nuôi, phải trông, phải dạy các cháu, áp lực không chỉ đến từ công việc, mà còn bởi chính xã hội.

Hướng mở trong thực thi chính sách

Không phải đến bây giờ, ngành giáo dục mới nhìn ra thực tế, chính những bất cập trong chính sách hỗ trợ GVMN khiến việc thu hút người thật sự có tâm huyết, gắn bó với nghề càng trở nên khó khăn. Ðể giải quyết "nút thắt" này, mới đây, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có ý kiến về việc giảm tuổi nghỉ hưu đối với GVMN, GVTC.

Nhà giáo Hoàng Thị Vân - Hiệu trưởng Trường mầm non Hà Lầm, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tâm sự: Là giáo viên ai cũng muốn nuôi dạy học sinh tốt nhất. Nhưng quả thật với các GVMN, tuổi cao là áp lực rất lớn để bảo đảm chất lượng nuôi dạy. Áp lực công việc cao, cùng với thu nhập thấp là những căn nguyên các cô mong muốn được nghỉ hưu sớm. Ðiều này là hợp lý khi các cô giáo lớn tuổi nghỉ sớm sẽ tạo điều kiện cho trường tuyển dụng thêm biên chế mới, giáo viên trẻ.

Tuổi trẻ và kiến thức tốt chắc chắn sẽ giúp việc nuôi dạy trẻ chất lượng cao hơn, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về đổi mới chương trình GDMN. Theo quy định nghỉ hưu sớm của Luật Lao động, người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LÐ,TB&XH ban hành; người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ðiều này có nghĩa là các giáo viên muốn nghỉ hưu sớm thì phải đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chiểu theo quy định thì phần lớn GVMN sẽ không được nghỉ hưu sớm. Và việc Chính phủ ban hành Chỉ thị 01, trong đó có nội dung giao Bộ LÐ-TB&XH nghiên cứu, đưa nhóm GVMN, GVTC vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ là hướng mở trong thực thi chính sách, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các nhà giáo, góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, Bộ LÐ-TB&XH cần nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ sớm ban hành các chính sách hợp lý bảo đảm quyền lợi cho các GV thuộc diện nghỉ hưu sớm.

Theo thống kê, tính đến năm học 2019-2020, các cơ sở giáo dục mầm non công lập cả nước còn thiếu hơn 40 nghìn GV. Một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung có tỷ lệ GV/lớp rất thấp. Rõ ràng, căn nguyên thiếu GV hiện nay vừa bởi thiếu nguồn tuyển, nhưng cũng do thiếu biên chế. Chính vì vậy, việc giảm tuổi nghỉ hưu sẽ giúp bổ sung biên chế, trẻ hóa GV, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.