Xóa rào cản để tư nhân cung cấp dịch vụ công

Nghị định số 130/2013/NÐ-CP đã tạo nên sự thay đổi lớn trong cung cấp dịch vụ, hàng hóa cho xã hội, khi mở rộng danh mục dịch vụ công phải đấu thầu từ tám lĩnh vực, tăng lên 26 lĩnh vực. Qua đó, khuyến khích, cho phép tư nhân được tham gia mạnh mẽ hơn vào cung cấp dịch vụ công - lĩnh vực mà từ trước đến nay vẫn dành cho doanh nghiệp (DN) nhà nước.

Thực tế, vai trò của khu vực tư nhân ngày càng trở nên quan trọng và không thể thiếu trong cung cấp dịch vụ công. Ðối với ngành bán lẻ, những cửa hàng mậu dịch quốc doanh thời bao cấp được thay thế bởi hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại. Trong ngành vận tải ô-tô, những phương tiện cũ nát của DN vận tải quốc doanh dần biến mất, nhường chỗ cho phương tiện sang trọng, lịch sự của các DN ta-xi, vận tải khách chuyên tuyến, hãng lữ hành du lịch,… đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Ở lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe, trường học và bệnh viện tư được mở ra ngày càng nhiều. Ngay cả ngành tư pháp, đến nay cũng đã thực hiện xã hội hóa các dịch vụ công chứng, giám định. Gần đây, các DN tư nhân còn đề xuất mong muốn được tham gia đầu tư những dự án xây dựng sân bay, cảng biển quốc tế với quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sự tham gia của tư nhân vào cung cấp dịch vụ công không chỉ làm tăng nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản trị mà còn tạo động lực cạnh tranh khiến tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ đều phải nỗ lực để có chất lượng tốt nhất, với giá cạnh tranh nhất. Chính hoạt động "thuê ngoài" đã đem lại những lợi ích thiết thực như tiết kiệm chi phí, tăng trách nhiệm giải trình, tăng khả năng quản lý, tiếp cận chuyên môn và kỹ năng tốt hơn,… Tuy nhiên, sự đóng góp của khu vực tư nhân trong dịch vụ công hiện vẫn chưa như kỳ vọng. Nhiều dịch vụ công phổ biến hiện nay như dịch vụ chứng nhận, dịch vụ công ích, dịch vụ xã hội, đầu tư hạ tầng rất cần sự tham gia nhiều và sâu hơn nữa của tư nhân, nhưng vẫn vướng rào cản. Các chuyên gia đánh giá, dịch vụ công dường như là nơi "khu trú" cuối cùng của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, bởi ở đó vẫn chưa có thị trường hoàn chỉnh.

Việc mở cho khu vực tư nhân tham gia cung ứng các dịch vụ công là một chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, nhưng cần có những bước đi cụ thể để thị trường hóa hoạt động của khu vực này, qua đó sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả. Nhà nước cần tiếp tục phá bỏ độc quyền, có chính sách mở hơn nữa cho khối tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ công. Từ đó, Nhà nước sẽ rút khỏi những lĩnh vực công không cần thiết, thu gọn bộ máy quản lý và nguồn lực để tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, đóng vai trò trọng tài cho các DN cạnh tranh. Bên cạnh những mặt tích cực, việc tham gia của tư nhân vào dịch vụ công cũng gây lo ngại về nguy cơ tăng giá dịch vụ tự do, khó kiểm soát chất lượng… Do đó, Nhà nước cần tạo lập "luật chơi" công bằng, minh bạch và giám sát chặt chẽ để có thể kiểm soát được rủi ro đối với thị trường mới mẻ này.