Vướng mắc trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu

Nghị định 70/2018/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH và CN) được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý tài sản hình thành từ kết quả nghiên cứu sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

Nhà nước có thể cấp hoàn toàn kinh phí cho nghiên cứu hoặc hỗ trợ một phần, phần còn lại doanh nghiệp đối ứng. Ðó cũng là xu thế chung của nhiều nước trong cơ cấu đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Quá trình triển khai Nghị định 70, nhiều địa phương, viện nghiên cứu đang gặp những vướng mắc trong xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ nghiên cứu. Nhiều nhà khoa học cho rằng, quy định phải nộp lại tiền thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho Nhà nước là rào cản thúc đẩy sự sáng tạo của nhà khoa học. Ðồng thời mâu thuẫn với Luật KH và CN quy định lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được chia cho tác giả tối thiểu 30%; phần còn lại phân chia giữa chủ sở hữu, cơ quan chủ trì, người môi giới. Xu thế của nhiều nước cũng ưu tiên chia lợi nhuận cho nhà khoa học để thúc đẩy sự sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Theo các nhà khoa học, thực tế, giá trị thương mại hóa hiện nay theo thỏa thuận giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao, có giá trị không nhiều. Nếu hoàn trả cho Nhà nước thì không khuyến khích, tái đầu tư được cho đơn vị chủ trì nghiên cứu và nhà khoa học. Các chính sách hiện nay đang thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm phục vụ đời sống xã hội, nhưng nếu nhà khoa học không được hưởng lợi từ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu sẽ làm giảm động lực trong nghiên cứu, sáng tạo, nhất là nghiên cứu ứng dụng. Nếu bất cập này không được tháo gỡ, sẽ dẫn đến nguy cơ các nghiên cứu có sử dụng ngân sách chỉ được nghiên cứu "nửa vời", không đi đến cùng để tạo ra sản phẩm. Chưa kể nhiều khả năng trên cơ sở các kết quả nghiên cứu ban đầu có kinh phí của Nhà nước, nhà khoa học sẽ tự đầu tư hoặc bắt tay với doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, phát triển hoàn thiện quy trình công nghệ và chuyển giao "chui" để được hưởng lợi. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, tiền thương mại hóa kết quả nghiên cứu cần được đầu tư cho đơn vị nghiên cứu và nhà khoa học để phục vụ công tác nghiên cứu và tái đầu tư cho nhà khoa học. Kết quả nghiên cứu chỉ là sản phẩm ban đầu, phải được doanh nghiệp đầu tư, nâng công suất sản xuất mới tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, từ đó, tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động, Nhà nước thu được thuế… Những giá trị đó lớn hơn rất nhiều so với tiền chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, để chuyển giao được thì tài sản hình thành từ kết quả nghiên cứu phải được định giá, nhưng hiện chưa có dịch vụ định giá công nghệ trên thị trường, chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp, cách thức xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH và CN để xác định giá trị chuyển giao, tránh thiệt hại cho các bên. Nhiều kết quả nghiên cứu hiện chỉ tạm giao cho tổ chức, cá nhân chủ trì nghiên cứu quản lý. Ðể thúc đẩy sự sáng tạo của các nhà khoa học và hình thành thị trường KH và CN, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó, Bộ KH và CN cần có những đánh giá sau khi Nghị định 70/2018/NÐ-CP đi vào cuộc sống, từ đó, có những tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, viện nghiên cứu.