Ðừng tự đánh mất cơ hội

Lĩnh vực du lịch trong nước đang từng bước phục hồi. Sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", các hãng lữ hành, doanh nghiệp vận chuyển, các địa phương có nhiều khu du lịch... đều tung ra nhiều hoạt động kích cầu, nổi bật nhất là ưu đãi về giá tua và dịch vụ đi kèm.

Có những tua giảm giá 40 đến 50%. Những ưu đãi này góp phần thúc đẩy nhu cầu du lịch của nhiều gia đình, nhất là khi học sinh bắt đầu nghỉ hè.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều lời phàn nàn về chất lượng dịch vụ của các tua "kích cầu". Một số tua du lịch tổ chức giờ bay bất lợi cho hành khách. Chẳng hạn, doanh nghiệp bố trí cho khách lên sân bay lúc giữa trưa và khởi hành vào khoảng 13 hoặc 14 giờ. Với kiểu giờ khởi hành này, doanh nghiệp "tiết kiệm" được một bữa trưa. Khi trở về, khách cũng được bố trí giờ khởi hành "oái oăm", bay vào 11 giờ 30 phút. Với khung giờ di chuyển như thế, khách du lịch buộc phải dùng tạm bữa trưa trong thời gian đi lại.

Một số doanh nghiệp mập mờ trong cung cấp dịch vụ, khiến khách có khá nhiều khoảng thời gian "tự do" và tốn thêm chi phí phát sinh khi đi tham quan, trải nghiệm. Các hình thức "cắt cúp" thường được bố trí khéo léo, hoặc tranh thủ khách chủ quan không kiểm tra rõ lịch trình khi ký hợp đồng du lịch. Ðáng chú ý, đã xuất hiện tình trạng quảng cáo chất lượng một đằng, thực tế một nẻo, tự ý tăng giá. Trong tháng 6, tỉnh Quảng Ninh đã xử phạt hai tàu du lịch, buộc dừng hoạt động trong 90 ngày vì dịch vụ kém và tăng giá cao.

Trong một hội thảo về du lịch mới đây, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thừa nhận một số nhược điểm lâu nay khiến du lịch Việt Nam chưa phát triển đúng với tiềm năng là: Giá cao, sản phẩm kém, ý thức phục vụ chưa tốt. Trước đây, một điều làm nhiều khách hàng không hài lòng là các tua trong nước không hề rẻ so với các tua từ Việt Nam đi các nước: Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Lào, Cam-pu-chia. Chưa kể đi du lịch trong nước, mọi người luôn lo lắng bị "chặt chém" về giá cả dịch vụ, hoặc "cò" đón lõng khắp nơi. Dịch Covid-19 khiến ngành du lịch thay đổi, chưa bao giờ khách du lịch trong nước cảm thấy được "quan tâm" như hiện nay. Ngoài vấn đề được ưu đãi, không ít người đi du lịch còn nhằm ủng hộ kinh tế nước nhà sau thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...

Đây là cơ hội để du lịch Việt Nam khắc phục nhược điểm, lấy lại niềm tin của khách hàng. Tuy nhiên, việc một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chất lượng thấp sẽ khiến nhiều người vốn không thiện cảm với chất lượng dịch vụ du lịch trong nước, "đề cao cảnh giác", hoặc tạm gác lại ý định du lịch trong nước. Ðể ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng cần yêu cầu các doanh nghiệp minh bạch các dịch vụ cung cấp khi bán tua; có biện pháp hỗ trợ kịp thời khách hàng khi tiêu cực xảy ra; kiểm tra, giám sát để bảo đảm chất lượng các dịch vụ cho khách. Thời điểm này, ngành du lịch cần khách trong nước hơn bao giờ hết. Những biểu hiện tiêu cực nói trên mới chỉ là số ít, song, nếu không ngăn chặn, xử lý kịp thời, chúng ta sẽ tự đánh mất cơ hội khôi phục ngành kinh tế du lịch.

GIANG NAM