Từ việc nhỏ thành phong trào quần chúng

Một tín hiệu mừng trong thời gian gần đây, cán bộ và nhân dân ta ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên, môi trường với việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trước hết là đối với việc bảo vệ sức khỏe con người hằng ngày. Phong trào trồng rau sạch, lúa sạch, giữ hoa quả sạch, thực phẩm sạch… đang lan rộng ở nhiều nơi. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều địa phương, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc các cấp đang chủ động và tích cực tham gia ngăn chặn sự sụt lở đất ở nhiều đoạn sông, vùng biển và sự xâm nhập của nước mặn ngày càng sâu vào nhiều nơi ở đồng bằng Nam Bộ…

Thấm thía câu châm ngôn “Ðừng để nước đến chân mới nhảy”; “có việc lớn phải từ việc nhỏ”, chúng ta vui mừng nhận thấy trong xã hội đang xuất hiện phong trào “chung tay chống rác thải nhựa” ở nhiều bãi biển, các địa điểm du lịch, nơi tụ họp đông người, công viên, hè phố, siêu thị…

Chúng ta trân trọng, đánh giá cao hành động của các cụ già, các em thiếu niên và nhiều lớp người tham gia đi bộ thể dục vào các buổi sáng, buổi chiều, đã tự nguyện nhắc nhau “thấy rác hãy nhặt”! Học sinh ở nhiều trường mầm non với sự giáo dục, gương mẫu của các cô giáo, cũng tự nhắc nhau “không vứt túi ni-lông bừa bãi”. Các đội tình nguyện thanh niên ở nhiều nơi đã dành hẳn ngày nghỉ cuối tuần, cùng nhau góp sức thu gom các loại rác ở bãi biển và nơi công cộng…

Từ chuyển động đáng mừng đó, sáng chủ nhật (9-6-2019) vừa qua, tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc. Lễ “ra quân” có ý nghĩa này do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND thành phố Hà Nội và Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu người Việt Nam trong nước và ở nước ngoài. Thông điệp của Thủ tướng tại lễ ra quân này, được đông đảo cán bộ, nhân dân hoan nghênh và hưởng ứng: “Chính phủ đang khẩn trương thực hiện chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho phát triển kinh tế - xã hội…”.

Thực tiễn chỉ ra rằng, từ chủ trương đúng đến tổ chức thực thi có kết quả, là cả một quá trình. Sự gương mẫu đi đầu của mỗi cán bộ, đảng viên có ý nghĩa tập hợp, giáo dục các thành viên trong hệ thống chính trị tự giác tham gia, biến nhận thức thành phong trào hành động có mục tiêu, bước đi, hình thức thích hợp với từng địa bàn, địa phương, đối tượng… nhằm đạt hiệu quả thiết thực, cụ thể. Chúng ta ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong”!.