Triển khai hiệu quả chính sách hướng về đồng bào miền núi nghèo

Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV vừa qua đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Ðề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Ðề án xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trong đó đáng chú ý là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn hai lần so với năm 2020. Ðịnh hướng mục tiêu đến năm 2030 là thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng một phần hai bình quân chung của cả nước, giảm hộ nghèo xuống dưới 10%; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.

Việc ban hành Nghị quyết nêu trên có ý nghĩa to lớn, rất quan trọng đối với vùng này, bởi nước ta hiện có 53 dân tộc thiểu số với hơn ba triệu hộ, 14 triệu người, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố. Những năm qua, Ðảng và Nhà nước luôn có sự quan tâm đặc biệt, đời sống của đồng bào các dân tộc được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, hiện nay nhìn chung vùng dân tộc thiểu số vẫn là nơi khó khăn nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, chiếm tới 52%. Ðây cũng sẽ là giải pháp tổng thể để đầu tư phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong tương lai. Qua đó, thúc đẩy phát triển toàn diện, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng phát triển trong cả nước.

Trong thực tế, có những chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số chưa thật sự hiệu quả, có thể kể đến việc hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách. Do hỗ trợ bằng tiền mặt, cho nên nhiều người thụ hưởng đã sử dụng không đúng mục đích. Chính sách hỗ trợ cây, con giống cũng chưa thật sự hiệu quả do nhiều địa phương cùng đồng thời triển khai nhiều chính sách, như hỗ trợ theo Nghị quyết 30a, Chương trình 135. Mặt khác, việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền đã làm một bộ phận người dân có tâm lý trông chờ, ỷ lại... Vì vậy, Ðề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 ra đời sẽ tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng phát triển bền vững gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; nâng cao mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Ðồng thời, trong quá trình triển khai, cần quan tâm, khắc phục những hạn chế, bất cập trong thời gian vừa qua.

Mục tiêu lớn của Ðề án nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện tốt nhất để vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vượt qua khó khăn, phát triển cùng đất nước. Vì vậy, cần tập trung thực hiện tốt chủ trương tích hợp 118 chính sách hiện có nhưng bị nhỏ lẻ, thực hiện dàn trải, chồng chéo... thành Chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách lớn, có nguồn lực tập trung. Trong đó, chính sách nào không còn phù hợp có thể bãi bỏ, những chính sách nhỏ lẻ cần tích hợp lại. Bên cạnh ưu tiên đầu tư nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, an sinh xã hội, cần quan tâm đến xây dựng hạ tầng giao thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước khi triển khai thực hiện Nghị quyết, các cơ quan chức năng cần tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chính sách dân tộc, từ đó phát hiện những bất cập để kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp, nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung của Ðề án. Do nguồn lực có hạn, cho nên việc xác định đúng đối tượng và đúng địa bàn đầu tư rất quan trọng. Theo đó, nên tập trung giải quyết cho đối tượng khó khăn nhất, thí dụ như đồng bào nghèo, đồng bào thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt và giải quyết tình trạng di dân... Ðối với địa bàn sẽ được đầu tư, Chính phủ cần sớm xây dựng tiêu chí để phân định vùng, tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho những vùng khó khăn, có những bước đi vững chắc, thích hợp, dần dần thu hẹp khoảng cách của đồng bào dân tộc thiểu số cùng với sự phát triển chung của cả nước.

Chính phủ cần nghiên cứu, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các bộ, ngành, HÐND, UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực Nghị quyết của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các Ðoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường tiếp xúc cử tri, trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dân tộc, công tác dân tộc trong thời kỳ mới. Sự tham gia quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành triển khai chủ trương đúng đắn trên và sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực giúp đời sống đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện và nâng cao, góp phần trực tiếp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày càng bền vững.