Tiết kiệm năng lượng để phát triển bền vững

An ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Theo Ðề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII điều chỉnh), từ nay đến năm 2030, ngành năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm. Cũng theo kịch bản này, nhu cầu điện thương phẩm các năm 2020, 2025 và 2030 sẽ tương ứng 235 tỷ kW giờ, 352 tỷ kW giờ và 506 tỷ kW giờ.

Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc trong các giai đoạn tới mặc dù sẽ giảm đáng kể so với trước đây nhưng vẫn ở mức rất cao nếu so sánh với các nước trên thế giới, cụ thể 10,6%/năm (giai đoạn 2016 - 2020), 8,5%/năm (giai đoạn 2021-2025) và 7,5%/năm (giai đoạn 2026 - 2030). Nếu tổng công suất lắp đặt của toàn hệ thống hiện nay là khoảng 54 nghìn MW (gồm cả năng lượng tái tạo) thì đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 60 nghìn MW và dự kiến lên đến 129.500 MW vào năm 2030.

Nhìn vào biểu đồ nhu cầu sử dụng và tiêu thụ điện trong những năm tới, có thể thấy rằng đây là một thách thức không hề nhỏ đặt ra với ngành năng lượng trong việc bảo đảm thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn để mở rộng, nâng cấp lưới điện truyền tải, phân phối, đầu tư, phát triển nguồn điện mới cũng như cung ứng đủ các nguồn năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện. Trong bối cảnh hiện nay khi Quốc hội đã thông qua chủ trương tạm dừng việc triển khai các dự án điện hạt nhân; các nguồn thủy điện quy mô lớn và trung bình hầu như đã được khai thác hết; tiềm năng, trữ lượng dầu và khí đốt sẽ sớm suy giảm, năng lượng tái tạo chưa thể đáp ứng ngay với quy mô lớn do giá thành còn cao; thì việc thúc đẩy các hoạt động, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK-HQ) là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất. Ðiều này sẽ giúp giảm áp lực khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, đạt hiệu quả cao về mặt kinh tế; cần được ưu tiên, đẩy mạnh thực hiện trong thời gian trước mắt. Các chương trình, hoạt động về SDNLTK-HQ, nếu được tổ chức và thực hiện tốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, giúp nền kinh tế phát triển bền vững, bảo vệ môi trường hiệu quả, thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.

Những năm qua, Chính phủ luôn nỗ lực tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng. Ngày 14-4-2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 79/2006/QÐ-TTg về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về SDNLTK-HQ giai đoạn 2006 - 2015. Chương trình được triển khai thực hiện thành công và đã đạt mục tiêu tiết kiệm 3,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2006 - 2010, tương đương 4,9 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) và tiết kiệm 5,65% trong giai đoạn 2011 - 2015, tương đương 11,261 triệu TOE. Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần trong giai đoạn 2011 - 2015, đáng kể như ngành thép (giảm 8,09%); ngành xi-măng (giảm 6,33%); ngành dệt sợi (giảm 7,32%)... Tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Theo đánh giá, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam là từ 20 - 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%.

Nhằm tiếp nối các kết quả thành công của Chương trình giai đoạn 1 và giai đoạn 2, đồng thời đưa ra một kế hoạch và chiến lược dài hạn với định hướng rõ ràng cho các hoạt động SDNLTK-HQ tại Việt Nam, Bộ Công thương đã xây dựng "Chương trình quốc gia về SDNLTK-HQ giai đoạn 2019-2030". Ngày 13-3-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình.

Xác định khu vực sản xuất công nghiệp tiếp tục là đối tượng cần phải nỗ lực triển khai nhiều hoạt động tiết kiệm năng lượng hơn nữa nhằm đạt được kỳ vọng giảm hệ số đàn hồi năng lượng, thời gian tới Bộ Công thương sẽ tăng cường thực thi Luật SDNLTK-HQ trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội thông qua việc triển khai đồng bộ và triệt để các giải pháp quản lý, kỹ thuật tập trung vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng có khả năng gây ô nhiễm môi trường; giao thông vận tải và xây dựng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng bắt buộc, loại bỏ các trang thiết bị lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng. Cụ thể đến năm 2025, giảm mức tiêu hao năng lượng trung bình trong các ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 - 2018: Ngành thép từ 3 đến 10%; hóa chất hơn 7%; nhựa từ 18 đến 22,46%; xi-măng hơn 7,5%; dệt may hơn 5%... Phấn đấu 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng; 90% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và phê duyệt Chương trình SDNLTK-HQ; phát triển hệ thống mạng lưới các đơn vị tiết kiệm năng lượng tại ít nhất 50 tỉnh, thành phố; xây dựng một trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ Công thương cũng tập trung hướng dẫn cho các sở công thương xây dựng và triển khai kế hoạch hành động thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2020 - 2025, đạt hiệu quả trong giai đoạn tới trong bối cảnh thị trường tiết kiệm năng lượng hiện nay được đánh giá có dư địa rất lớn. Vì vậy, giải pháp cần sớm thực hiện là hoàn thiện, xây dựng, đồng bộ cơ chế thị trường năng lượng, trong đó, cơ chế vừa phải tạo ra động lực vừa là áp lực, để cả giai đoạn năm 2019 - 2030 tiết kiệm từ 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ tại Việt Nam.