Tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng bất động sản

Thời gian qua, việc lãi suất tiết kiệm ở mức thấp đã dẫn đến sự dịch chuyển của dòng tiền sang các kênh đầu tư khác. Trong đó đáng chú ý, bất động sản (BĐS) hiện đang là kênh đầu tư được nhiều người “nhắm đến”. Mặc dù vậy, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), trong ba năm qua, tín dụng BĐS có tín hiệu giảm dần, nhất là trong năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, tín dụng BĐS chỉ tăng trưởng 11,89%, trong khi đó các năm 2018 và 2019, tín dụng BĐS tăng từ 26% - 28%.

 Tính đến hết tháng 3 năm nay, tín dụng BĐS tăng 3%, tương đương với mức tăng tín dụng nói chung. So với cuối năm 2020, tín dụng BĐS có tăng cao hơn do tác động của dịch Covid-19, nhưng so cùng kỳ năm 2018 và 2019, mức tăng trưởng tín dụng BĐS không cao hơn và thậm chí còn thấp hơn. Điển hình, quý I-2019 tín dụng vào BĐS là 5,13%. Những con số này cho thấy, tín dụng BĐS đang được kiểm soát chặt chẽ, nhất là vào phân khúc đầu tư BĐS của dự án cao cấp. Và thực tế trong suốt thời gian qua, NHNN luôn quan tâm và kiểm soát chặt dòng tiền vào lĩnh vực rủi ro nói chung, trong đó có tín dụng BĐS.
 
 Hiện nay, NHNN có nhiều công cụ giám sát dòng vốn chảy vào lĩnh vực BĐS. Theo đó, NHNN đã hạn chế tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tối đa là 40%. Thứ hai là áp dụng tỷ lệ hệ số rủi ro 150% với các khoản vay có dư nợ hơn bốn tỷ đồng mà cá nhân vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, NHNN thường xuyên theo dõi giám sát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro và cảnh báo kịp thời cho các tổ chức tín dụng để điều chỉnh kịp thời các khoản vay. NHNN cũng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành đến các chi nhánh ngân hàng thương mại cũng như NHNN 63 tỉnh, thành phố, triệu tập Chủ tịch, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại trên toàn quốc để phân tích, đánh giá và cảnh báo nguy cơ có thể dẫn đến rủi ro nếu không quản lý chặt chẽ dòng tiền. Đồng thời, yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường quản lý cho vay bảo đảm đúng đối tượng, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro; theo dõi sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng, tránh việc vay vì các lý do khác nhưng bản chất là đầu tư vào BĐS; quản lý chặt để bảo đảm dòng tiền đi đúng vào lĩnh vực cần thiết, mục đích sử dụng của khoản vay.
 
 Thời gian qua, nhiều địa phương đang xảy ra tình trạng “sốt đất”, trước tình trạng này các cơ quan quản lý cũng đã đưa ra nhiều cảnh báo đối với người dân và nhà đầu tư. Cùng với đó, để thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bên cạnh NHNN kiểm soát chặt tín dụng BĐS, cũng cần thêm chính sách đồng bộ của các bên liên quan, trong đó các bộ, ngành chức năng và địa phương cần tăng cường công tác quản lý quy hoạch, phát triển quỹ đất, tập trung rà soát, kiểm tra, minh bạch hóa thông tin về thị trường BĐS.
 
 Đối với nhà đầu tư, kể cả doanh nghiệp hay người dân, trong lúc diễn biến giá BĐS đang có dấu hiệu “sốt ảo” như hiện nay, cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các thông tin chính thống, tránh rơi vào chiêu trò “thổi giá” của các “cò đất” để đưa ra quyết định đầu tư một cách hợp lý. Việc cân nhắc kỹ lưỡng và đánh giá chính xác xu hướng, diễn biến của thị trường BĐS sẽ giúp cho người dân và nhà đầu tư hạn chế được những rủi ro trong trường hợp khi giá đất tăng, nhiều người đổ xô đi mua, còn khi thị trường trầm lắng, lại đổ xô đi bán, dẫn đến thiệt hại lớn làm ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội cũng như sự ổn định của nền kinh tế.