Tích cực tôn vinh giá trị tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba - năm 2020 vừa được tổ chức đã góp phần tôn vinh các tác phẩm có giá trị nổi bật về nội dung, tư tưởng, thẩm mỹ. Hoạt động này tác động tích cực tới quá trình sáng tác, nghiên cứu của giới chuyên môn, đồng thời trở thành động lực thúc đẩy văn hóa đọc và sự nghiệp xuất bản phát triển theo đúng định hướng và phù hợp xu hướng hội nhập. Tuy nhiên, bên cạnh thành quả đạt được, nhìn chung, các hoạt động liên quan tới việc tôn vinh giá trị tri thức vẫn chưa thật sự sôi nổi, chưa tương xứng với bề dày văn hóa, truyền thống của dân tộc ta.

Qua hai mùa tổ chức, Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba tiếp tục thu hút thêm nhiều đơn vị tham gia. Năm nay, có 48 nhà xuất bản (NXB) trên cả nước với 362 cuốn sách cho 255 tên sách, tăng sáu NXB và bảy cuốn sách so với giải thưởng lần trước. Ba tác phẩm được Hội đồng giải thưởng trao giải A, gồm: “Lịch sử” (Historiai) của dịch giả Lê Đình Chi (NXB Thế giới phối hợp Công ty cổ phần Sách Omega Việt Nam); “Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu” (hai tập) do PGS, TS Nguyễn Văn Thường chủ biên (NXB Y học); “Đoàn binh Tây Tiến” (Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt) của nhà thơ Quang Dũng (NXB Kim Đồng). Ban Tổ chức cũng trao 10 giải B, 14 giải C cho các tác phẩm thuộc năm mảng sách: chính trị, kinh tế; khoa học tự nhiên và công nghệ; khoa học xã hội và nhân văn; văn hóa, văn học và nghệ thuật; thiếu nhi. 27 tác phẩm đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia lần này được giới chuyên môn đánh giá cao về tính sáng tạo, mang tinh thần nhân văn sâu sắc, nhiều giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao. Đặc biệt, bên cạnh nội dung, các NXB cũng quan tâm tới hình thức sách, in ấn đẹp mắt, minh họa công phu…

Chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, song ngành xuất bản đã có nhiều nỗ lực trong quá trình tổ chức, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giải thưởng. Dù vậy, vẫn có 11/59 NXB chưa tham dự giải; các tác phẩm được lựa chọn trao giải chủ yếu là sách nghiên cứu, chuyên khảo; còn ít tác phẩm phù hợp đại chúng, mang đến thuận lợi trong quá trình tiếp cận, quảng bá tri thức. Ngành xuất bản nói chung đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức, như: chưa thay đổi được thói quen đọc sách của số đông bạn đọc; hệ thống tài liệu trong thư viện, trường học còn nghèo nàn, phục vụ chưa chuyên nghiệp; khâu kiểm duyệt trong xuất bản, phát hành còn lỏng lẻo, nhiều sai phạm; nạn sách lậu, vi phạm bản quyền diễn ra tràn lan… Ngoài ra, nhiều hoạt động tôn vinh tác giả, tác phẩm vẫn chưa quy củ, đi vào chiều sâu mà chỉ mang tính tập hợp, hội hè. Ở các sự kiện ngày hội sách, đọc sách… diễn ra hằng năm còn ít hội thảo, tọa đàm thiết thực và vẫn xuất hiện những tình huống, hình ảnh phản cảm, như: trưng bày thiếu thẩm mỹ, bán sách lậu, phá giá… Hiện tượng ấy không những gây ảnh hưởng tới hoạt động xuất bản, quyền lợi của người đọc mà còn khiến những người viết sách cảm thấy tổn thương.

Cùng với sự phát triển của xã hội, hoạt động tôn vinh tri thức cần được quan tâm hơn nữa để khơi nguồn cảm hứng, bồi đắp trí tuệ, tâm hồn người đọc. Để đáp ứng nhiệm vụ ấy, các nhà quản lý và những người làm công tác xuất bản, văn hóa, xã hội cần thêm nhiều giải pháp sáng tạo, thiết thực và cụ thể hơn. Thí dụ, đã có những mô hình thư viện tư nhân, tủ sách vùng biên giới, hải đảo… hoạt động hiệu quả, được học sinh và nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Ngoài nhân rộng điển hình, chú ý đến tính đặc thù của từng địa phương, vùng miền cũng cần kịp thời quan tâm, khích lệ những ý tưởng, hoạt động kết nối tri thức thêm vững vàng, hiệu quả. Xét trên bình diện lớn, hoạt động xuất bản cần tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tác động đáng kể đến văn hóa đọc; cổ vũ mọi người hành động, cống hiến tích cực, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều lĩnh vực.