Tháo gỡ vướng mắc trong kiểm duyệt điện ảnh

Vừa qua, bộ phim "Ròm" từng vi phạm Luật Ðiện ảnh, sau khi chỉnh sửa nội dung và tuân thủ các yêu cầu về phát hành, phim đã chính thức ra rạp. Ðây là sự kiện phản ánh những thay đổi, điều chỉnh, hợp tác tích cực từ phía đơn vị quản lý, kiểm duyệt và nhà sản xuất nhằm mục đích đưa tác phẩm tới gần hơn với công chúng yêu điện ảnh.

Bản phim "Ròm" được Cục Ðiện ảnh cấp phép đã có chỉnh sửa để phù hợp về nội dung và hình thức. Trong đó, cốt truyện vẫn được bảo đảm, những tình huống, hình ảnh ấn tượng vẫn được giữ và tính về thời lượng hai bản phim không chênh lệch nhiều. Thời gian qua, không chỉ phim "Ròm" mà nhiều dự án phim lớn khác cũng phải biên tập, chỉnh sửa một số cảnh được cho là không phù hợp. Ðiều này luôn dẫn tới tranh luận, mâu thuẫn giữa các nhà sản xuất phim với đội ngũ kiểm duyệt. Theo Cục Ðiện ảnh, Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện hiện nay gồm 11 thành viên, hoạt động theo nhiệm kỳ hai năm. Hội đồng không đánh giá về nghệ thuật điện ảnh mà có chức năng thẩm định, phân loại phim, tư vấn cho cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoặc không. Luật Ðiện ảnh và các quy định liên quan là căn cứ để hội đồng làm việc, không có sự phân biệt giữa phim trong nước với phim nước ngoài, phim nhà nước với phim tư nhân. Một số thành viên hội đồng chia sẻ, đây vốn là công việc áp lực, nhất là đối với thành viên cao tuổi. Ðã có những đạo diễn trẻ được mời tham gia, nhưng mới được nửa nhiệm kỳ đã rút. So sánh với các quốc gia châu Á, sẽ thấy sự khác biệt. Thí dụ, tại Hàn Quốc, hội đồng kiểm duyệt có hàng trăm người, thay nhau làm việc 24 giờ trong ngày và kiểm duyệt không chỉ phim mà còn game show, dịch vụ điện tử...

Nhìn lại, có thể thấy, trong các năm 2018, 2019 và tám tháng đầu năm nay, không phim Việt Nam nào bị cấm. Trong khi đó, phim nhập khẩu nước ngoài không được cấp phép phát hành chiếm tỷ lệ cao (19 phim trong tám tháng đầu năm 2020, 25 phim năm 2018, 25 phim năm 2019). Theo Cục Ðiện ảnh, đối với phim trong nước, nếu nội dung và hình thức chưa đạt thường được đề nghị sửa chữa để có thể đưa ra thị trường, tránh tổn thất cho các nhà sản xuất. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc giữa đội ngũ sản xuất phim với đơn vị quản lý, kiểm duyệt hiện vẫn chưa được giải quyết. Có những vấn đề thường xuyên xảy ra va chạm, chẳng hạn như về "giới hạn của thuần phong mỹ tục" trong điện ảnh vẫn còn rất chung chung. Các chuyên gia cho rằng, Luật Ðiện ảnh cần quy định chi tiết, cụ thể hơn nữa để không gây khó khăn cho các bên thực hiện.

Thực tế cho thấy, các đơn vị chuyên nghiệp có thể dễ dàng qua khâu kiểm duyệt nhờ tuân thủ các quy định và quan trọng hơn hết chính là nhờ chất lượng nghệ thuật của tác phẩm điện ảnh. Bộ phim "Hai Phượng" của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân trong quá trình thẩm định bị phân loại C18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi), nhưng vẫn đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh và có doanh thu 200 tỷ đồng. Tại một cuộc hội thảo về kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh I-ran tại Hà Nội, các chuyên gia điện ảnh của nước bạn cho biết, mỗi năm I-ran sản xuất khoảng 150 phim truyện, 90% được chọn chiếu tại các LHP quốc tế với rất nhiều giải thưởng… Phim của I-ran thành công ở thị trường quốc tế không phải nhờ hệ thống phát hành, thương mại mà bởi chất lượng nghệ thuật và tính độc đáo. Trong khi đó, quá trình kiểm duyệt tác phẩm điện ảnh của I-ran rất khắt khe, nhất là các nội dung liên quan đến chính trị, tôn giáo, tình dục, bạo lực. Song, các nhà làm phim vẫn uyển chuyển trong cách thể hiện vấn đề, áp dụng nhiều ngôn ngữ, cách thức trong sáng tạo… Ðây là một thí dụ có tính tham khảo và hữu ích với điện ảnh Việt Nam.

Luật Ðiện ảnh đặt ra những mục tiêu rõ ràng nhằm thúc đẩy sự phát triển, đồng thời bảo đảm được vai trò quản lý hiệu quả của Nhà nước. Song, để luật đi vào cuộc sống một cách hữu ích, vẫn cần có những điều chỉnh theo từng giai đoạn và tính đặc thù. Thực trạng phát triển mạnh mẽ của điện ảnh đòi hỏi tinh thần hợp tác, đổi mới đồng bộ chứ không chỉ riêng một vài đơn vị, công đoạn. Quyết định đến sự tồn tại, phát triển của điện ảnh nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung, chính là yếu tố con người. Cần có sự trao đổi, đối thoại giữa các bên để chung tay xây dựng nền điện ảnh lành mạnh, phát triển. Khi quy tụ được đội ngũ những người làm điện ảnh đủ tài năng, tâm huyết và đặt mục tiêu phục vụ công chúng lên hàng đầu thì sẽ có tiếng nói chung trong cách giải quyết khó khăn, thử thách.