Tạo sức lan tỏa trong phổ biến, giáo dục pháp luật

Vừa qua, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) T.Ư tổ chức hội nghị trực tuyến "Triển khai Quyết định số 1521/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng mô hình PBGDPL hiệu quả tại các bộ, ngành, địa phương", trong đó có nhấn mạnh cách làm hay ở tỉnh Quảng Nam.

Từ kết quả ban đầu triển khai thực hiện mô hình đầu năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình PBGDPL trên địa bàn đến năm 2021. Theo đó, năm 2018, tiếp tục phân bổ nguồn lực tại 177 xã/18 huyện, thị xã, thành phố - với kinh phí hơn 1,57 tỷ đồng. Năm 2019, Sở Tư pháp đề xuất UBND tỉnh mở rộng phạm vi áp dụng mô hình nêu trên, không chỉ dành cho các xã mà mở rộng thêm 23 phường, 15 thị trấn, nâng tổng số xã, phường, thị trấn lên 200 đơn vị/18 huyện, thị xã, thành phố, với mức kinh phí cao hơn. Tại 44 xã còn lại thuộc địa bàn biên giới, hải đảo, tỉnh tiếp tục giao Bộ đội Biên phòng trực tiếp thực hiện tại 11 xã; còn 22 xã thuộc địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giao nhiệm vụ để Sở Tư pháp thực hiện. Như vậy, tất cả 244 xã được hưởng thụ từ đề án, bảo đảm "phủ kín", không bỏ trống và trùng lặp về địa bàn thực hiện các hoạt động PBGDPL.

Nhìn nhận kết quả từ mô hình nêu trên, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc bộ, ngành và đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện cho rằng, việc mạnh dạn đưa mô hình mới vào thực tiễn ở Quảng Nam là bước đi có tính đột phá đối với công tác PBGDPL ở cấp tỉnh. Mô hình vừa qua giải quyết một phần khó khăn trước mắt cho ngân sách cấp xã đối với công tác PBGDPL; đồng thời khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung cũng như có thể xảy ra trường hợp bỏ trống địa bàn. Việc thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân ở cơ sở, phù hợp đặc điểm sinh hoạt dân cư và từng vùng miền. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, bên cạnh hình thức tuyên truyền trực tiếp, các địa phương ở Quảng Nam sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, phù hợp từng nhóm đối tượng, từ đó tạo sức lan tỏa rộng lớn, như tổ chức hội thi hát bài chòi tuyên truyền pháp luật; hội thi rung chuông vàng; thi hòa giải viên giỏi và nhiều hình thức sân khấu hóa với các tiểu phẩm, vở kịch, điệu hò, bài vè dân ca... thu hút đông đảo người dân tham gia do hình thức mới lạ, hấp dẫn.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đánh giá, công tác PBGDPL hiện nay vẫn còn có những hạn chế: một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức; phương thức, nội dung, việc sử dụng nguồn lực tài chính và huy động nguồn lực xã hội phục vụ công tác lĩnh vực này chưa hiệu quả. Sự phối hợp giữa công tác xây dựng pháp luật, PBGDPL và tổ chức thi hành pháp luật chưa chặt chẽ. Ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn
hạn chế...

Để triển khai hiệu quả công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, thời gian tới cần tiếp tục phát hiện, đề xuất nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả về công tác PBGDPL. Về mục tiêu, Bộ Tư pháp cho rằng, công tác PBGDPL cần hướng tới nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của nhân dân, đây cũng là tiêu chí đánh giá kết quả công tác PBGDPL. Cần có cách tiếp cận mới trong công tác PBGDPL; trong tổ chức thực hiện cần chú trọng lấy người dân làm chủ thể trung tâm. Nội dung PBGDPL phải xuất phát từ chính nhu cầu thực tế, được đánh giá, khảo sát đầy đủ, toàn diện, giúp giải đáp các vấn đề pháp luật cụ thể cần áp dụng trong đời sống và sản xuất, kinh doanh của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Mặt khác, phát huy trách nhiệm thực hiện, chấp hành, tuân thủ pháp luật một cách chủ động với tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

Vấn đề quan trọng khác cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn là vận dụng hiệu quả, tốt hơn nữa kỹ năng dân vận khéo trong công tác PBGDPL; huy động các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia. Bên cạnh việc đổi mới, đa dạng về nội dung, hình thức, cần tránh phô trương, hình thức, gây lãng phí nguồn lực. Công tác PBGDPL phải thật sự trở thành công việc thường xuyên, hằng ngày của mỗi người. Phát huy đầy đủ vai trò tư vấn định hướng trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng các mô hình PBGDPL gắn với triển khai nhiệm vụ công tác của Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp cũng cần được quan tâm. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong quá trình thực hiện các mô hình để đạt kết quả tốt.