Tạo bứt phá trong xuất khẩu nông sản

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 7-2020 ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng 6-2020.

Trong đó, lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận sự phục hồi sản xuất và lấy lại đà tăng trưởng một cách nhanh chóng. Cụ thể, giá trị xuất khẩu lâm sản chính tháng 7-2020 đạt 1,1 tỷ USD (tăng 9,8%), thủy sản đạt 780 triệu USD (tăng 8,4%). Còn tính chung bảy tháng năm 2020, các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng là: gạo đạt 1,9 tỷ USD (tăng 10,9%); rau đạt 414 triệu USD (tăng 9,6%); sắn đạt 107 triệu USD (tăng 101,8%); xuất khẩu tôm đạt gần hai tỷ USD (tăng 12,1%); quế đạt 110 triệu USD (tăng 15,4%); sản phẩm gỗ đạt 4,5 tỷ USD (tăng 9,0%); mây, tre, cói thảm đạt 305 triệu USD (tăng 14,7%)… Ðã có sáu nhóm, mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch hơn một tỷ USD, đứng đầu là sản phẩm gỗ. Ðây là những kết quả đáng mừng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới, ảnh hưởng không nhỏ đến giao thương hàng hóa nông sản giữa các quốc gia.

Ngày 1-8 vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực, theo đó nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của nước ta xuất khẩu vào thị trường châu Âu được hưởng mức thuế suất 0%. Hiện nay, nhiều ngành hàng đã có những chiến lược và giải pháp đồng bộ để sẵn sàng chinh phục thị trường châu Âu. Tuy nhiên, dự báo, cuối năm, những bất ổn liên quan dịch Covid-19 vẫn khó lường cho nên chắc chắn sẽ tiếp tục tác động đến hoạt động xuất khẩu của nước ta. Ngoài ra, đi kèm với các ưu đãi thuế quan thì xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước của nhiều quốc gia nhập khẩu cũng tăng lên; các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại cũng sẽ được tăng cường. Do đó, nếu không kịp thời đáp ứng các đòi hỏi đó thì hàng hóa nước ta khó tận dụng được cơ hội từ ưu đãi thuế quan hay các biện pháp mở cửa thị trường khác.

Để tạo bứt phá trong xuất khẩu những tháng cuối năm cũng như thời gian tới, ngành nông nghiệp nước ta một mặt phải nỗ lực ứng phó biến động khách quan từ bên ngoài như dịch Covid-19, rào cản kỹ thuật; mặt khác cần chủ động khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, đặc biệt chú ý dự báo nhu cầu của các thị trường nhập khẩu cả về số lượng và chủng loại hàng nông sản để có định hướng sản xuất trong nước phù hợp trên cơ sở sản xuất cái thị trường cần chứ không chỉ sản xuất sản phẩm mình có lợi thế. Ðồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn mà các quốc gia nhập khẩu đưa ra.