Tăng sức cạnh tranh trên thị trường xăng dầu

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NÐ-CP về kinh doanh xăng dầu (KDXD) quy định, thương nhân KDXD có tổ chức hoạt động sản xuất, chế biến xăng dầu được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư (NÐT) nước ngoài nhưng không quá 34% và phải được Bộ Công thương chấp thuận sau khi thẩm định. Ðây được coi là tín hiệu "mở" để các doanh nghiệp (DN) nước ngoài tham gia sâu hơn vào lĩnh vực KDXD trong nước, qua đó, góp phần nâng cao công tác quản trị, hiệu quả hoạt động cũng như tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Thực tế cho thấy, các DN có vốn đầu tư nước ngoài đã tham gia vào lĩnh vực KDXD Việt Nam từ lâu, tuy nhiên, mới dừng ở quy mô nhỏ lẻ. Ðơn cử như trường hợp JX Nippon Oil & Enegry, Tập đoàn năng lượng số 1 của Nhật Bản sau quá trình gia nhập thị trường Việt Nam, hiện mới sở hữu khoảng 9% vốn tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hay như Công ty Idemitsu Q8 (IQ8 ) hiện là tên tuổi duy nhất được cấp phép gia nhập thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam. Thế nhưng, kể từ thời điểm khai trương trạm xăng dầu đầu tiên 100% vốn nước ngoài tại Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội năm 2017, đến nay, IQ8 mới có bốn trạm bán lẻ xăng dầu - số lượng rất thấp so với kỳ vọng. Sở dĩ có tình trạng trên, bởi từ lâu, mảng KDXD luôn được coi là "mảnh đất riêng" của các DN KDXD nội địa. Trong đó, các cơ chế nhằm tạo điều kiện cho DN xây dựng cơ sở vật chất, phát triển và nắm những vị trí quan trọng trong hệ thống phân phối xăng dầu trong nước nhằm bảo đảm nguồn cung phục vụ sản xuất, tiêu dùng; tránh ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Mặt khác, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, kinh doanh có điều kiện, do Nhà nước quản lý cho nên việc tuân thủ điều kiện đầu tư, thủ tục hành chính chặt chẽ hơn khiến sân chơi này bị "bó hẹp" hơn với NÐT nước ngoài.

Theo lý giải của Bộ Công thương, những năm qua, nhiều NÐT nước ngoài quan tâm và góp vốn vào công ty xăng dầu của Việt Nam. Vì vậy, việc sửa đổi Nghị định 83 sẽ bám sát mục tiêu cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển,... nhằm tạo môi trường bình đẳng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế, tạo thuận lợi cho các NÐT trong và ngoài nước tham gia thị trường. Việc mở cửa rộng hơn cho NÐT nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này là phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt, khi nguồn cung sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 75% nhu cầu. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định cũng cân nhắc kỹ và đưa ra mức giới hạn cổ phần chuyển nhượng không quá 34%. Với tỷ lệ này, NÐT vẫn thấy sự hấp dẫn cho khoản đầu tư của mình, giúp DN trong ngành thu hút được vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị từ các NÐT nước ngoài. Ðồng thời, tỷ lệ trên cũng giới hạn được mức độ can thiệp vào hoạt động kinh doanh của NÐT ngoại với DN trong nước, nhất là không để họ có quyền phủ quyết đối với các quyết định quan trọng của DN.

Có thể thấy, việc nới rộng mức giới hạn cổ phần chuyển nhượng để các DN nước ngoài tham gia vào thị trường xăng dầu nội địa là hướng đi đúng đắn và phù hợp với thời điểm hiện nay, đặc biệt khi mà Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế tế giới. Việc giới hạn tỷ lệ chuyển nhượng cổ phần không quá 34% là mức hợp lý để thu hút đầu tư nước ngoài, từ công nghệ, quản trị đến phương thức bán hàng nhằm phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Bên cạnh đó, từ góc độ an ninh quốc gia, với những ngành, lĩnh vực quan trọng nhạy cảm, điều này vẫn giúp các DN nội địa nắm đủ số cổ phần để giữ quyền chi phối, tránh sự ảnh hưởng, thao túng từ những DN ngoại có thể lũng đoạn thị trường. Mặt khác, sự đầu tư, tham gia của các DN nước ngoài sẽ giúp thị trường xăng dầu Việt Nam vận động theo đúng nghĩa của nền kinh tế thị trường, các DN tham gia có sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế cũng như giữa các NÐT trong và ngoài nước. Do đó, Nhà nước chỉ nên giữ vai trò điều tiết thị trường dưới góc độ vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh và bổ sung những văn bản pháp lý chặt chẽ, minh bạch. Từng bước thay đổi cơ chế điều hành để giá xăng dầu trong nước tiệm cận dần với giá thế giới, không quyết định giá bán lẻ, nên ban hành khung giá định kỳ để DN tự điều hành giá bán,... từ đó tạo sự cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch giữa các DN, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Quỳnh Chi