Tăng năng lực đổi mới, sáng tạo

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS). Trọng tâm của đề án hướng tới khuyến khích, ưu tiên tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp (DN) cung cấp nền tảng, đặt DN vào trung tâm của hệ thống.

Nhà nước sẽ hỗ trợ các DN công nghệ trong nước phát triển, tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ DN và toàn bộ nền kinh tế. “Ðiểm nhấn” của đề án là Chính phủ đồng ý thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (cơ chế sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình KTCS. Ðây là khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít DN thử nghiệm các công nghệ, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp để ngăn hậu quả của sự thất bại. Từ đó, các mô hình KTCS sẽ được khuyến khích tiếp tục phát triển trên cơ sở phù hợp lợi ích và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cộng đồng DN, nhất là DN khởi nghiệp sáng tạo, đề án trên cho thấy bước chuyển tích cực với việc công nhận các mô hình kinh tế mới dựa trên tiến bộ của khoa học kỹ thuật và sự phát triển của in-tơ-nét. Quan trọng hơn, nhận thức này còn được chuyển biến ngay thành hành động với sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương. Ðề án đã tạo ra nền tảng pháp lý, có sự hậu thuẫn của Nhà nước giúp các DN công nghệ hoạt động theo mô hình KTCS; tạo ra một sân chơi chung, cạnh tranh bình đẳng giữa công ty truyền thống và công ty công nghệ. Việc Nhà nước có chính sách ủng hộ xu thế phát triển mới của mô hình KTCS sẽ giúp các DN tự tin triển khai ý tưởng mới, khích lệ tinh thần đổi mới sáng tạo phát triển rộng khắp. Tuy nhiên, đề án mới chỉ là điều kiện cần, khi triển khai chắc chắn sẽ gặp rất nhiều rào cản, khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm, thực hiện của các bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp. Ngoài ra, việc mở ra “cánh cửa” cho các mô hình kinh tế mới vừa là thời cơ vàng cho các DN khởi nghiệp sáng tạo trong nước có điều kiện phát triển, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để các DN nước ngoài với nhiều nguồn lực, thế mạnh sẵn có “nhảy” vào thị trường Việt Nam.

Do đó, để thực hiện hiệu quả đề án, tạo ra đóng góp thiết thực cho các DN hoạt động trong lĩnh vực KTCS, cần phải quy định chi tiết mô hình kinh doanh nào là KTCS, được ưu tiên cụ thể ra sao,... Cần có thêm nhiều chương trình khuyến khích các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo, giúp thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống hoặc tạo ra những hoạt động, mô hình kinh doanh mới đột phá. Cùng với đó là sự hướng dẫn, hỗ trợ cần thiết của các cơ quan quản lý để DN phát triển thuận lợi, không bị mất cơ hội thị trường.