Tăng kỷ luật trong công tác xây dựng pháp luật

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tuần qua xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); báo cáo kết quả giám sát của các ủy ban của QH về việc ban hành VBQPPL trong nhiệm kỳ QH khóa XIV.

Theo báo cáo, Chính phủ đã chỉ đạo việc soạn thảo và phối hợp tiếp thu, chỉnh lý trình QH thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL. Từ đó yêu cầu các bộ, ngành tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, phân công và xác định rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong soạn thảo, trình văn bản, bảo đảm chất lượng, tiến độ đã được xác định trong các nghị quyết của QH. Qua xem xét các báo cáo, Ủy ban TVQH cho rằng, các chủ thể được giao quy định chi tiết đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tập trung nguồn lực để xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết. Trong một số lĩnh vực, việc ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng thời điểm với luật có nhiều chuyển biến tích cực. Theo báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, tính đến tháng 8-2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành ban hành văn bản quy định chi tiết được 485/572 (chiếm 85%) nội dung được giao trong các luật; còn 87/572 (chiếm 15%) nội dung chưa có văn bản quy định chi tiết được ban hành.

Bên cạnh những kết quả tích cực, qua thảo luận, các đại biểu QH đánh giá vẫn còn một số hạn chế, nhất là việc đề nghị điều chỉnh chương trình để bổ sung dự án còn diễn ra phổ biến, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của QH. Hay tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn kéo dài trong nhiều năm. Các đại biểu QH cũng thẳng thắn nêu một số "căn bệnh" trong xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, qua đó cho thấy còn nhiều hạn chế về tính kịp thời, đầy đủ; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Kết quả giám sát của các ủy ban của QH lần này nêu rõ địa chỉ các cơ quan còn "nợ" nhiều nội dung được giao quy định chi tiết đến thời điểm báo cáo. Trong đó, số liệu giám sát nêu, có sáu nghị định, 22 thông tư liên tịch và tám nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã hết hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản khác sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc thay thế. Hoặc trong số các nội dung đã được quy định chi tiết, theo số liệu báo cáo, mặc dù có 301 trong số 485 (chiếm 62%) nội dung bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, nhưng vẫn còn 184 trong số 485 (chiếm 38%) nội dung có hiệu lực chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực của luật. Ðáng lưu ý một số luật có từ 80% đến 100% nội dung chưa có văn bản quy định chi tiết được ban hành, thậm chí một số nội dung sau gần ba năm luật có hiệu lực vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết…

Sớm đề ra những biện pháp, giải pháp hữu hiệu khắc phục hạn chế trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết là vấn đề được Ủy ban TVQH cũng như Chính phủ rất quan tâm. Các yêu cầu cụ thể qua thảo luận đã được Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH đưa ra: Thực hiện nghiêm túc hơn nữa các quy định của Luật Ban hành VBQPPL trong công tác thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Tăng cường và tổ chức thực hiện thường xuyên công tác giám sát việc ban hành VBQPPL thuộc lĩnh vực mình phụ trách; kết hợp tổ chức giám sát chuyên đề, tổ chức giải trình về việc thực hiện pháp luật trong một số lĩnh vực phức tạp, còn nhiều quy định có dấu hiệu mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp thực tiễn để kịp thời kiến nghị việc hoàn thiện chính sách, pháp luật. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ nâng cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản. Yêu cầu khác là xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL. Ðề nghị tổ chức nghiêm túc việc lấy ý kiến và tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan, người dân, doanh nghiệp.

Từ thực tiễn hiện nay, các đại biểu QH đề nghị cần có giải pháp giải quyết nguồn lực cả về tài chính và nhân lực phục vụ cho lĩnh vực này. Chính phủ cần quan tâm sớm có giải pháp tháo gỡ tình trạng cán bộ làm công tác pháp chế nhưng lại thiếu kiến thức, trình độ quản lý chuyên ngành, hoặc ngược lại. Ðiều đó giải thích tại sao vừa qua, có những nội dung không thuộc thẩm quyền của Ủy ban TVQH vẫn có văn bản đề nghị giải thích pháp luật, không đúng quy trình, gây mất thời gian. Những vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu, cử tri quan tâm, đó là nguồn kinh phí cho công tác xây dựng dự thảo VBQPPL cần tiếp tục được cải tiến, cấp đủ và kịp thời. Ðồng thời, chú trọng đánh giá định kỳ, tiến hành tổng kết việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực do bộ, ngành quản lý để tiếp tục hoàn thiện chính sách, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch và khả thi của hệ thống pháp luật.