Tăng diện tích lúa thu đông, đón thời cơ xuất khẩu

Mặc dù bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn và đại dịch Covid-19 nhưng sản xuất lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến nay vẫn đạt nhiều kết quả khả quan. Hiện nay, giá lúa gạo đang tăng, nguồn nước và các điều kiện cho gieo trồng vụ thu đông được dự báo khá thuận lợi. Đây là thời cơ để các địa phương tăng diện tích sản xuất trong vụ lúa thu đông 2020 nhằm bảo đảm nguồn cung xuất khẩu cũng như tăng thu nhập cho người dân.

Tình hình tiêu thụ lúa gạo tại khu vực ĐBSCL đang có nhiều triển vọng, giá lúa có lợi cho nông dân và kim ngạch, sản lượng gạo xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục sau thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Theo thống kê, giá lúa tại nhiều địa phương ở ĐBSCL ngày 30-7 tiếp tục tăng, trong đó giá lúa tươi Jasmine dao động ở mức 6.000 đến 6.100 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; lúa IR 504 tăng 50 đồng lên mức 5.600 đồng/kg; lúa OM 5451 cũng tăng 100 đồng lên mức 5.700 đồng/kg. So với cuối tuần trước, giá lúa đã tăng lên 300 đồng/kg. Riêng gạo TP IR 504 được bán với giá 9.900 đồng, tăng 300 đồng/kg so hôm trước và tăng 500 đồng/kg so với cuối tuần trước…
 
 Sáu tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu gần 3,5 triệu tấn gạo với giá trị 1,71 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng và tăng 17,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến từ nay đến tháng 9, khu vực ĐBSCL sẽ thu hoạch xong vụ hè thu. Qua tính toán, sau khi trừ lượng gạo dùng tiêu thụ trong nước, lượng gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu khoảng 2,3 đến 2,5 triệu tấn… Đáng chú ý, tính đến hết tháng 5, xuất khẩu gạo của nước ta đã vượt Thái-lan vươn lên vị trí số 2 thế giới, sau Ấn Độ. Theo dự báo, với tình trạng chậm giao hàng từ các nước xuất khẩu lớn do tác động của dịch Covid-19 sẽ giúp Việt Nam tăng nguồn cung ngắn hạn và cũng có khả năng sẽ đẩy giá gạo trên thế giới lên cao. Hơn nữa, gạo Việt Nam xuất khẩu cũng chờ đón cơ hội mới khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Gạo là một trong các mặt hàng nông sản được miễn thuế nhập khẩu vào EU. Theo đó, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) và tự do hóa hoàn toàn với gạo tấm. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tăng diện tích vụ thu đông ở ĐBSCL lên hơn 800 nghìn héc-ta (tăng khoảng 50.000 ha so với vụ thu đông 2019) để “đón đầu” giá lúa tăng, cũng như đẩy mạnh việc xuất khẩu trong thời gian tới.
 
 Để bảo đảm sản xuất vụ đông xuân thắng lợi cả về diện tích, năng suất và giá trị, cần tập trung sản xuất các giống lúa đặc sản, lúa chất lượng cao và giảm gieo cấy các giống lúa có phẩm cấp gạo trung bình; giảm gieo sạ, sử dụng máy cấy và các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân. Mặt khác, các địa phương cũng cần theo dõi tình hình thời tiết, mưa lũ và dịch hại để có biện pháp chủ động ứng phó; sử dụng những giống lúa có khả năng chống chịu rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, giống ngắn ngày tại những vùng có nguy cơ bị lũ. Cần khuyến cáo nông dân xuống giống lúa đúng kế hoạch, tạo điều kiện để kết thúc nhanh, gọn, thuận lợi cho các vụ sản xuất sau. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc nhân rộng và xây dựng vùng lúa chuyên canh tập trung chất lượng cao; xây dựng các cánh đồng lớn theo hướng hợp tác liên kết sản xuất, gắn với bao tiêu sản phẩm.