Tăng cường trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh trong trường học

Hôm nay (4-5), học sinh, sinh viên nhiều địa phương, trường đại học trên cả nước trở lại trường học tập trung sau thời gian dài nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Để chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và tham khảo ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học, gồm 15 tiêu chí khác nhau.

Theo đó, trước khi học sinh đến trường, cơ sở giáo dục cần chuẩn bị cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch giáo dục, khai báo y tế, đeo khẩu trang đúng cách, khử trùng trường lớp, đồ dùng học tập. Khi đến trường, học sinh, cán bộ, giáo viên được đo thân nhiệt trước khi vào lớp học; bảo đảm giãn cách theo quy định; kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch. Chào cờ và các hoạt động giáo dục chỉ tổ chức trong phạm vi từng lớp học; giờ vào lớp, giải lao, tan học xen kẽ giữa các khối lớp; học sinh không tụ tập trong giờ ra chơi. Khi học sinh kết thúc buổi học, bảo đảm 100% số học sinh, cán bộ, giáo viên giãn cách hợp lý, đeo khẩu trang từ khi rời trường trở về nhà...

Các trường học đã thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp; trang bị thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, nơi rửa tay bằng nước sạch có xà-phòng... Đáng chú ý, phần lớn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học theo từng khối, lớp và nhóm học sinh để thực hiện giãn cách hợp lý. Nhiều trường tổ chức chia các lớp học thành hai nhóm để tổ chức dạy học các buổi khác nhau hoặc vừa triển khai học tập trung trực tiếp đối với những nội dung kiến thức, kỹ năng cần nhiều sự tương tác hay phải thực hành, thí nghiệm, vừa triển khai dạy học trực tuyến những nội dung kiến thức lý thuyết, giản đơn...

Ngành giáo dục cùng các địa phương, đơn vị liên quan đã tập huấn và giao nhiệm vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên nhà trường quy trình phòng, chống dịch bệnh. Việc xử lý trường hợp cán bộ, giáo viên, học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19 cũng được tập huấn, triển khai đến các trường theo năm bước cách ly và điều tra dịch tễ, xử lý sau điều tra dịch tễ... Nhiều gia đình, phụ huynh cũng tích cực tham gia tài trợ vật dụng, thiết bị phòng, chống dịch cũng như phối hợp các thầy giáo, cô giáo vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp học nhằm bảo đảm an toàn tối đa khi học sinh, sinh viên trở lại trường.

Với hàng loạt các giải pháp được ngành giáo dục, các cấp, các ngành đưa ra, góp phần bảo đảm an toàn, hạn chế nguy cơ dịch bệnh khi học sinh học tập trung tại trường. Tuy nhiên, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, ngoài giải pháp triển khai chung, cần chủ động nâng cao ý thức, trách nhiệm cá nhân của mỗi cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh, sinh viên. Bởi chỉ một người lơ là, chủ quan có thể gây nguy cơ dịch bệnh trong trường học. Đối với học sinh tiểu học và trẻ mầm non, nhận thức về dịch bệnh và các giải pháp phòng, chống dịch có thể còn chưa tốt. Trong khi đó, học sinh, sinh viên các cấp học nói chung, sau kỳ nghỉ dài mới gặp nhau sẽ dễ xảy ra tình trạng tập trung, gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi, chơi đùa... Do đó, các trường học cần xây dựng kế hoạch và xác định việc phòng, chống dịch bệnh là thường xuyên, kéo dài chứ không phải chỉ một, hai ngày đầu đi học trở lại. Quá trình dạy học, cần tạo lập cho học sinh ý thức tự chăm sóc, bảo vệ bản thân và ý thức trách nhiệm vì cộng đồng. Chỉ khi mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh tự ý thức được trách nhiệm, thực hiện tốt các giải pháp phòng tránh dịch bệnh, không chủ quan, lơ là thì việc bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bệnh trong trường học mới thật sự hiệu quả.