Tăng cường phòng, chống bệnh bằng y học cổ truyền

Ngày 17-3, Bộ Y tế ban hành Văn bản số 1306/BYT-YDCT kèm theo hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19. Theo đó, hướng dẫn gồm có các bài thuốc cổ truyền sử dụng trong phòng và hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19 tại các cơ sở điều trị cho các giai đoạn bệnh; các phương pháp y học cổ truyền người dân có thể áp dụng ngay để phòng bệnh, như phương pháp xông phòng ở, phòng làm việc, cách sử dụng một số loại thảo dược để tăng sức đề kháng của cơ thể…

Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế ) cho biết, Cục và các đơn vị đầu ngành y học cổ truyền đã nghiên cứu, tổng hợp các tài liệu trong nước và quốc tế trong điều trị Covid-19. Tài liệu được Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia đầu ngành về y, dược cổ truyền thẩm định và trình lãnh đạo Bộ Y tế ký ban hành.

Ðây là hướng dẫn kịp thời, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ điều trị bệnh tại cơ sở y tế và nhu cầu phòng bệnh của người dân tại cộng đồng trong bối cảnh bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Hiện nay, hướng dẫn này đã được gửi cho các cơ sở y tế để kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19. Tuy nhiên, tài liệu chưa được phổ biến rộng để người dân tiếp cận các phương pháp phòng bệnh khoa học, đơn giản, dễ thực hiện. Thí dụ, dùng các dược liệu chứa tinh dầu, như: sả chanh, bạc hà, quế, mùi, bưởi, kinh giới, tía tô đun với nước 30 phút, đóng cửa phòng 20 phút để dầu khuếch tán ra không gian phòng nhằm diệt vi khuẩn, vi-rút… Hay xay tỏi lọc lấy nước, hòa với nước ấm tỷ lệ 1:10, chia uống nhiều lần trong ngày. Hướng dẫn uống trà thảo dược, chế độ ăn, tập thể dục, dưỡng sinh để tăng sức khỏe…

Trong khi đó, thời gian qua, nhiều thông tin trên mạng xã hội đã thổi phồng tác dụng để tăng giá bán dược liệu, khiến nhiều người hiểu sai về các phương pháp y học cổ truyền và ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng. Chẳng hạn, một số người chia sẻ “cẩm nang chữa vi-rút corona” với “lời khuyên” điều trị tại nhà để tránh cách ly, truyền nước biển, uống thuốc giảm sốt, thuốc ho, uống thêm mật ong, trà gừng..., quảng cáo thảo dược diệt được vi-rút corona. Có người mách nhau ăn nhiều tỏi, gừng, đốt bồ kết để phòng bệnh... Theo GS, TS Phạm Văn Sinh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Dược cổ truyền, Trường đại học Dược Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên môn thẩm định hướng dẫn sử dụng bài thuốc, phương pháp y học cổ truyền trong phòng, hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19 thì việc sử dụng bồ kết dù dưới dạng đốt hay nước nhỏ mũi đều không nên vì trong bồ kết có chất kích thích cơ trên của mũi, gây hắt hơi, dễ lây mầm bệnh, đồng thời khói đốt bồ kết, hay khói nói chung có nguy cơ gây ung thư. Việc ăn tỏi, gừng quá nhiều có thể gây bỏng niêm mạc miệng, đau dạ dày.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh Covid-19, Bộ Y tế cần đẩy mạnh truyền thông các phương pháp y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị bệnh đã được nghiên cứu, tổng hợp, thẩm định đối với cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp để các bài thuốc dùng trong phòng bệnh sớm được sản xuất công nghiệp để người dân sử dụng, nhất là cho các trường hợp cách ly tập trung hay cách ly tại nhà nhằm nâng cao sức đề kháng. Các đơn vị đầu ngành, bác sĩ, nhà khoa học... cần tiếp tục nghiên cứu thêm các bài thuốc cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19…