Tăng chế tài xử phạt thi nhan sắc “chui”

Gần đây, vụ việc cuộc thi hoa hậu mang tên Miss Global Her Beauty tổ chức “chui” bị phát hiện và đề xuất mức xử phạt kịch khung 49 triệu đồng đã tiếp tục làm “nóng” vấn đề quản lý những cuộc thi người đẹp đang diễn ra có phần vô tội vạ thời gian qua. Cuộc thi này được người đẹp mệnh danh là “nữ hoàng nội y” Việt Nam bảo trợ và là hoạt động quảng bá cho thương hiệu mỹ phẩm thuộc công ty do cô đang quản lý, phân phối.

Không chỉ tổ chức “chui”, cuộc thi còn làm dư luận nực cười vì danh xưng hoa hậu lâu nay chỉ dành cho các cuộc thi người đẹp cấp quốc gia nhưng ở sân chơi cấp “ao làng” này với 30 thí sinh dự thi đêm chung kết, ngoài danh hiệu chính là Hoa hậu và ba Á hậu, cuộc thi còn trao tới tám giải phụ với những cái tên rất kêu như: Hoa hậu áo dài, Hoa hậu thân thiện, Hoa hậu thời trang, Hoa hậu khả ái, Hoa hậu ảnh, Hoa hậu nhân ái, Hoa hậu trí tuệ, Hoa hậu được yêu thích nhất.

Một lần nữa, danh sách những cuộc thi nhan sắc không phép lại kéo dài hơn, khiến người ta nhớ đến hàng loạt những sân chơi chui từng bị phanh phui trước đây như: Hoa khôi duyên dáng doanh nhân Việt, Hoa hậu doanh nhân thành đạt hoàn cầu, Hoa hậu doanh nhân Việt Nam, Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam... Không ít người đặt câu hỏi, đây rõ ràng là câu chuyện không mới nhưng tại sao sau nhiều năm vẫn chưa thể giải quyết triệt để?

Có một thực trạng là, chưa bao giờ các cuộc thi người đẹp lại nhộn nhịp như những năm gần đây. Từ cấp quốc gia đến khu vực, từ trung ương đến địa phương, từ ban đến ngành, từ nữ giới đến nam giới, từ quý bà đến quý ông... dường như cấp nào cũng có thể đứng ra tổ chức thi sắc đẹp. Có nhiều cá nhân thích được tôn vinh, còn những đơn vị tổ chức thì nhắm vào nhu cầu đó để thu lợi thông qua huy động tài trợ và kinh phí từ chính những đối tượng dự thi. Một điều khó hiểu là những cuộc thi người đẹp cứ diễn ra, kể cả không được cấp phép thì cũng cứ làm. Có cuộc thi cố tình núp bóng dưới dạng những chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tiệc tri ân... để dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng trong khâu cấp phép. Có những cuộc thi chỉ âm thầm tiến hành vài hạng mục trong nước, còn lại mang ra nước ngoài thi. Và có những cuộc chẳng cần lách luật, cứ tổ chức, kể cả phải chịu phạt, bởi tính ra, mức phạt chẳng là gì so với lợi ích mà những cá nhân, đơn vị thu được. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và nhất thiết phải tăng các chế tài xử phạt, bảo đảm có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức răn đe với những vi phạm mới có thể loại bỏ tình trạng những cuộc thi nhan sắc ngang nhiên diễn ra, bất chấp quy định của pháp luật. Có vẻ không liên quan nhưng nếu nhìn vào Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được áp dụng từ đầu năm, mức xử phạt rất cao với các lỗi vi phạm đã mang đến hiệu quả là giảm hẳn tình trạng người sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông.

Trở lại với cuộc thi Miss Global Her Beauty vừa được cơ quan chức năng “tuýt còi” những ngày qua, được biết, góp mặt trong cuộc thi còn có nhiều ngôi sao tên tuổi. Là những người hoạt động nghệ thuật, lẽ ra họ phải hiểu hơn ai hết tính pháp lý của những sự kiện trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, thế nhưng lại vẫn tham gia vào một cuộc thi không được cấp phép. Vì thế, dù là vô tình hay cố ý thì tên tuổi họ cũng đã ít nhiều bị ảnh hưởng. Đây là bài học dành cho những “người của công chúng” khi nhận lời tham gia bất kỳ chương trình, sự kiện nào. Việc tìm hiểu kỹ tính pháp lý của sự kiện không những thể hiện ý thức công dân, sự chuyên nghiệp của người nghệ sĩ, mà còn góp phần thanh lọc, lành mạnh hóa môi trường biểu diễn nghệ thuật.