Tận dụng thời cơ

Hiện nay, rất nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh trong nước đang gặp khó khăn vì đứt chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, gián đoạn thị trường xuất khẩu, suy giảm khách du lịch; dòng tiền gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19… Tuy vậy, trong "nguy" sẽ có "cơ" nếu chúng ta, nhất là cộng đồng doanh nghiệp (DN) biết tận dụng thời cơ, đổi mới sáng tạo.

Dù dịch hay không dịch thì nhu cầu của người dân về các mặt hàng thiết yếu vẫn có. Chưa kể, bất cứ một động thái nhạy cảm nào cũng có thể khiến người dân đi mua hàng hóa về tích trữ gây khó khăn trong một thời điểm nhất định cho hệ thống cung ứng. Trên thế giới, kể cả ở những nước phát triển, người dân cũng đổ xô mua sắm, tranh giành nhu yếu phẩm. Việt Nam có những lợi thế rất lớn là nước sản xuất cả nông nghiệp và công nghiệp, trong đó, nông nghiệp ngày càng là lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tại hội nghị tổng kết đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải chủ động bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống; khẳng định rằng sản xuất nông nghiệp là lợi thế lớn của Việt Nam và trong tình hình dịch bệnh hiện nay, thực tế trên thế giới cho thấy, có lúc có nơi "tiền cũng không mua được lương thực". Ðáng mừng là có tới 7 trong số 10 tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam đang tham gia đầu tư, làm ăn trên lĩnh vực nông nghiệp và hầu hết đều thành công. Ðiều đó chứng tỏ nếu biết cách làm, nông nghiệp đem lại lợi nhuận lớn.

Trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân gần đây nhằm tháo gỡ khó khăn trong tình hình dịch Covid-19, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đánh giá, mặc dù dịch bệnh đã gây rất nhiều khó khăn nhưng sẽ có nhiều cơ hội khi thách thức xảy ra. Ðây chính là cơ hội để chúng ta tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh để giải bài toán phản ứng nhanh với thị trường. Chính phủ và DN nên đầu tư mạnh vào công nghệ số, chuyển đổi số; thay đổi cách làm việc; tăng cường thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt... Lúc này cần đầu tư để tăng cường họp hành, làm việc, học tập trực tuyến (online). Bộ trưởng dẫn chứng về tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc tế từ 12% trong tháng 1 đã tăng vọt lên 24% trong tháng 2, bằng nỗ lực của cả 20 năm qua. Do đó, Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng tốc, chuyển đổi số nhanh, tạo "đầu ra" cho các DN. Có những việc chỉ quyết mạnh và nhanh được trong lúc khó khăn.

Trong khi đó, Bộ Công thương cho biết, Trung Quốc đang dần phục hồi sau dịch, bắt đầu nối lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, các DN Việt Nam cần tận dụng thời cơ, sẵn sàng đón bắt nhu cầu thị trường khi nước bạn phục hồi. Bộ đã thực hiện nhiều biện pháp để phối hợp phía bạn để thúc đẩy giao lưu thương mại biên giới, nhờ đó, hai tháng qua, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng khá. Nhiều DN đang lao đao vì dịch Covid-19, song cũng có những tập đoàn, DN vẫn đang tận dụng thời cơ. Tập đoàn Thaco trong khó khăn vẫn mở rộng lĩnh vực sản xuất và chế tạo ô-tô; mở rộng sang cả lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và bước đầu gặt hái thành công. Tập đoàn Masan (đơn vị vận hành hệ thống siêu thị Vinmart) đang đẩy mạnh doanh số bán ra vì nhu cầu người dân tăng rất mạnh...

Hiện nay, khi người dân ngại ra đường cũng chính là lúc dịch vụ giao hàng, thanh toán trực tuyến phát triển mạnh mẽ, qua đó hạn chế đi lại và tiếp xúc của người dân. Ðiều này phù hợp chủ trương lớn của Chính phủ khi yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh các nền tảng thuận lợi để phục vụ thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Ðây cũng là lúc thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy chức năng của Cổng dịch vụ công quốc gia để góp phần tạo thuận lợi cho người dân và DN…