Sớm bổ sung gói hỗ trợ để khôi phục kinh tế

Như thông lệ, cuối quý III là thời điểm Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra những số liệu cơ bản đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của một năm, gồm 12 chỉ tiêu cơ bản.

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 vẫn có năm chỉ tiêu thực hiện đạt mục tiêu đề ra, gồm: Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân; tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội so GDP; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ che phủ rừng. Thêm vào đó, có hai chỉ tiêu ước thực hiện vượt mục tiêu, gồm: Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu và số giường bệnh trên 10 nghìn dân.
 
 Trong bối cảnh rất khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam không rơi vào tình trạng suy thoái, vẫn giữ được mức tăng trưởng dương trong khi nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới dự báo có mức tăng trưởng âm là kết quả đáng khích lệ. Không những thế, Việt Nam được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe, được nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá có thể tăng trưởng 2 đến 3% trong năm 2020.
 
 Tuy nhiên, những tín hiệu lạc quan nêu trên chưa đủ mạnh để trở thành gam mầu chủ đạo cho bức tranh KT-XH của một năm đầy biến động trước sức tàn phá của đại dịch Covid-19. Nếu không tiếp tục triển khai quyết liệt và xây dựng các giải pháp mới mạnh mẽ hơn cho những tháng cuối năm, khả năng giữ mục tiêu tăng trưởng dương sẽ trở nên khó khăn. Bởi nhiều chỉ số KT - XH tám tháng vẫn ở mức thấp, tín hiệu phục hồi chưa rõ nét, các động lực tăng trưởng ở mức yếu trong khi đã phát sinh một số vấn đề xã hội như tình trạng mất việc làm, giảm thu nhập, trật tự an toàn xã hội…
 
 Đáng lưu ý, tác động của đợt bùng phát dịch lần thứ hai đã vượt quá khả năng chịu đựng của một số ngành, lĩnh vực và nhiều doanh nghiệp. Các chủ trương, chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ đưa ra tương đối toàn diện, có mục đích cụ thể và đúng đối tượng nhưng đến nay đã hết hạn hoặc chưa phát huy nhiều tác dụng do chậm thể chế hóa và chưa được tổ chức triển khai kịp thời, quyết liệt và còn bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện, thủ tục phức tạp. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, bốn gói hỗ trợ được Chính phủ tung ra từ đầu năm đến nay có tổng giá trị thực (chi phí Chính phủ và hệ thống các ngân hàng thương mại cam kết bỏ ra ước tính khoảng 181,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3% GDP năm 2019), gồm gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ - tín dụng, an sinh xã hội và gói hỗ trợ khác như giảm chi phí tiền điện, giảm giá cước viễn thông. Nhưng đến nay chỉ có gói tiền tệ - tín dụng và giảm tiền điện đạt kết quả khả quan, còn lại được triển khai rất chậm. Biến số Covid-19 khiến công tác dự báo các kịch bản tăng trưởng kinh tế chưa bao giờ khó khăn như hiện nay, trong khi chỉ còn hơn ba tháng nữa là kết thúc năm 2020, khối lượng công việc vẫn còn lớn; khả năng hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH không hề dễ dàng.
 
 Để tăng trưởng kinh tế năm 2020 ở mức dương và đạt kết quả cao nhất có thể, Chính phủ cần tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại. Đồng thời sớm xây dựng một số chính sách để tung gói hỗ trợ bổ sung cho giai đoạn 2, giúp phục hồi kinh tế và tạo đà tăng trưởng cho năm 2021. Gói hỗ trợ này cần thiết kế ở quy mô đủ lớn và thời gian phù hợp, bao phủ đến các đối tượng dễ bị tổn thương, chịu tác động tiêu cực nhất. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội với đối tượng cần trợ giúp là đội ngũ lao động phi chính thức. Trước hết, cần đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch Covid-19 đến ngành, nghề cụ thể để đưa ra các điều kiện, tiêu chí về đối tượng được hỗ trợ. Trên cơ sở đó, thực hiện giải ngân kinh phí hỗ trợ bằng nhiều kênh khác nhau mới giúp chính sách nhân văn này sớm đi vào cuộc sống và bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.