Quy rõ trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng

Tại Hội nghị tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên diễn ra mới đây, báo cáo của ngành lâm nghiệp cho thấy, nhiều mục tiêu quan trọng về công tác bảo vệ, phát triển rừng đã đạt được trong thời gian qua. Trong đó, tăng tỷ lệ che phủ rừng, nâng cao năng suất rừng trồng sản xuất, đẩy mạnh diện tích trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, cây phân tán và rừng sản xuất, giảm số vụ vi phạm về rừng… Tuy nhiên, theo đánh giá chung, diện tích rừng tự nhiên trong cả nước vẫn tiếp tục bị suy giảm. Chỉ tính riêng khu vực Tây Nguyên, năm 2019 đã giảm gần 16.000 ha; tỷ lệ che phủ rừng giảm 0,09% so năm 2018 (giảm nhiều nhất tại các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai). 

Những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ (nhất là hiệu quả từ việc quyết định đóng cửa rừng tự nhiên ở Tây Nguyên), sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương và người dân, công tác bảo vệ và phát triển rừng trong cả nước đã đạt một số kết quả nhất định. Cùng với việc gia tăng  giá trị xuất khẩu lâm sản từ 4,2 tỷ USD năm 2011 lên 11,3 tỷ USD năm 2019, diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, đến nay, khu vực Tây Nguyên vẫn là trọng điểm trong cả nước về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật; tình trạng tranh chấp về đất rừng kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do sức ép về phát triển kinh tế - xã hội ngày càng gia tăng do dân số ở các vùng có rừng tăng nhanh, nhất là tình trạng dân di cư tự do dẫn đến nhu cầu về đất ở và đất canh tác đã gây sức ép lớn lên rừng tự nhiên trong khu vực. Chính quyền một số địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý về bảo vệ rừng; chưa thường xuyên hoặc thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, ngăn chặn để rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật. Một bộ phận các chủ rừng không đủ năng lực, nhân lực và kinh phí để bảo vệ rừng trên lâm phần được giao; có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong bảo vệ rừng ở một số nơi thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ...

Để bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, cần rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên theo hướng khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng; xã hội hóa đầu tư hình thành vùng lâm sản ngoài gỗ. Đẩy mạnh việc phân công, phân cấp, nâng cao  trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp trong phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các vi phạm; giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng. Đồng thời, kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với các dự án đầu tư có sai phạm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó, đề nghị chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên chỉ đạo giải quyết tốt tình trạng di dân tự do theo hướng ổn định đời sống và việc làm cho người dân. Đẩy nhanh thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, bảo đảm toàn bộ diện tích rừng có chủ thật sự; rà soát lại diện tích trồng rừng thay thế để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương và các cơ quan liên quan cần khẩn trương hoàn thành sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp, tập trung giải quyết dứt điểm một số tồn tại để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, rà soát các diện tích đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích để có giải pháp xử lý kịp thời...