Quan tâm hơn đến nguồn nhân lực nữ chất lượng cao

Vừa qua, Ðoàn Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức các cuộc hội thảo góp ý vào dự thảo Văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII với nhiều chủ đề khác nhau, trong đó nội dung xây dựng nguồn nhân lực nữ chất lượng cao để phụ nữ nói chung và nữ trí thức nói riêng có thể tận dụng được các cơ hội từ hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, được nhiều tầng lớp phụ nữ quan tâm và đóng góp ý kiến.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, phụ nữ Việt Nam chiếm 50,2% dân số cả nước, với khoảng 71,24% phụ nữ tham gia lực lượng lao động, cao hơn mức trung bình thế giới. Phụ nữ đã và đang là nguồn nhân lực đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước, trong đó nữ trí thức đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Với lực lượng ngày càng đông đảo, chiếm 42% tổng số trí thức của cả nước, nữ trí thức đóng vai trò không thể thiếu trong mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều người trong số họ có học hàm cao, hiện số nữ giáo sư chiếm 3,2%, nữ phó giáo sư chiếm 17,5% tổng số giáo sư, phó giáo sư của cả nước.

Có thể thấy, phụ nữ nói chung, đội ngũ nữ trí thức nói riêng là nguồn nhân lực quý, quan trọng đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bằng tài năng, trí tuệ, ý chí nghị lực vươn lên, nữ trí thức đã, đang đóng góp tích cực vào sự phát triển đất nước. Ðó không chỉ là lực lượng có thế mạnh trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy mà còn có vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực kinh tế, nữ trí thức đã không ngừng học hỏi, vận dụng những kinh nghiệm của mình, có mặt ở hầu hết các thành phần kinh tế: Nhà nước, tập thể, tư nhân…, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

Dù đã từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình song thực tế cho thấy nữ trí thức vẫn đối mặt những rào cản, thách thức, bất bình đẳng cả trong tham gia và thụ hưởng những thành tựu phát triển của xã hội; vẫn gặp nhiều trở ngại, hạn chế trên con đường phấn đấu. Nữ trí thức chưa được bố trí, sử dụng hợp lý và nhất là chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với đóng góp của họ. Khung chính sách, luật pháp về vai trò, vị thế của nữ trí thức trong sự phát triển bền vững còn chưa được thể hiện rõ nét. Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài… Bên cạnh đó, những người phụ nữ Việt Nam hiện nay vẫn phải đối mặt nhiều thách thức từ tư tưởng định kiến giới, do đó, vấn đề giải quyết hài hòa giữa sự nghiệp và gia đình luôn là bài toán khó đối với phụ nữ ở mọi tầng lớp. Nhiều người không nhận được sự sẻ chia, hỗ trợ từ người thân trong gia đình, dẫn tới một gánh nặng "vô hình" đè lên vai. Vì vậy, họ dường như "quá tải" về sức lực, thiếu thời gian nghỉ ngơi, trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin, làm "giảm sút" ý chí phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp, thường chấp nhận việc "an phận" như lẽ thường tình.

Tại Ðiều 4, Luật Bình đẳng giới 2006 nhấn mạnh, mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực. Như vậy, phát triển hiệu quả nguồn nhân lực chính là hướng tới đạt được bình đẳng giới thực chất và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Do đó, để xây dựng nguồn nhân lực nữ chất lượng cao, Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về vai trò, vị thế của họ trong xã hội, trong đó đổi mới mạnh mẽ chính sách về tạo nguồn, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ nữ trí thức cần được coi là khâu then chốt, góp phần thu hút và nâng cao khả năng lao động, sáng tạo. Thực hiện hiệu quả chính sách giáo dục đào tạo, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực nữ, nhất là nguồn nhân lực nữ chất lượng cao; hỗ trợ các sinh viên nữ, nhà khoa học nữ tài năng để họ có thể phát triển tiềm năng, sức mạnh nội lực. Phát triển đội ngũ nữ trí thức vùng dân tộc thiểu số để họ có thể tham gia trực tiếp vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng, các cấp lãnh đạo, nam trí thức về vai trò, vị thế của phụ nữ nói chung và nữ trí thức nói riêng trong phát triển bền vững hiện nay. Quan trọng hơn cả, chính bản thân mỗi người phụ nữ dù ở lĩnh vực nào, ngành nghề nào cũng cần tự học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi kiến thức, kỹ năng để đáp ứng và thích nghi với sự phát triển của xã hội trong đời đại mới.