Phòng, ngừa tội phạm cướp ngân hàng

Những năm gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là những thành phố lớn, xuất hiện các vụ cướp ngân hàng. Qua các vụ việc cho thấy, tội phạm cướp tài sản tại ngân hàng có hành vi phạm tội ngày càng manh động, liều lĩnh, với thủ đoạn tinh vi, sử dụng vũ khí để uy hiếp, đe dọa, khống chế.

Mới đây nhất, cuối tháng 7 vừa qua, ngay giữa Thủ đô Hà Nội, hai đối tượng sau khi lên kế hoạch đã cùng nhau mang theo súng vào Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Ngọc Khánh nằm trên phố Huỳnh Thúc Kháng, thuộc quận Ðống Ða, nổ súng uy hiếp và cướp gần một tỷ đồng. Ðiều đáng nói là, mặc dù lực lượng bảo vệ và công an đang có mặt tại ngân hàng đã có các biện pháp ngăn cản, nhưng với sự liều lĩnh và vũ khí trên tay, hai đối tượng vẫn thực hiện trót lọt vụ cướp. Cũng tại Hà Nội, một đối tượng đã mang theo súng đến cướp Ngân hàng Techcombank - Chi nhánh Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn). Nhân viên và bảo vệ ngân hàng phát hiện đối tượng từ sớm, cho nên đã ấn chuông báo động và có các biện pháp ngăn chặn.

Theo đánh giá của Bộ Công an, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi liều lĩnh, manh động của các tội phạm cướp ngân hàng, trong đó phần lớn là do đối tượng túng thiếu, nợ nần, kinh doanh, làm ăn thua lỗ..., cần một khoản tiền lớn để trả nợ và trang trải cuộc sống. Cùng với  đó là, do ý thức cảnh giác chưa cao của các nhân viên ngân hàng, sự chủ quan của nhân dân trong phòng ngừa đối với loại tội phạm này. Ðặc biệt, hệ thống an ninh và công tác bảo vệ các ngân hàng hiện nay còn nhiều kẽ hở. Một số ngân hàng chưa có thông báo, nhắc nhở cho khách hàng nâng cao tinh thần cảnh giác khi kết thúc một phiên giao dịch; nhiều ngân hàng không bố trí bảo vệ bên trong và ngoài cửa. Hệ thống báo động và phát tín hiệu tại một số ngân hàng còn thiếu, nhiều khi còn bị trục trặc, nhân viên bảo vệ chưa đủ mạnh, thiếu kỹ năng xử lý tình huống. Nhiều ngân hàng chưa quán triệt, phổ biến kỹ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội và tập huấn các thao tác xử lý cơ bản khi có hành vi phạm tội xảy ra.

Để phòng, chống có hiệu quả loại tội phạm cướp ngân hàng, thời gian tới, Bộ Công an cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để chỉ đạo các ngân hàng, phòng giao dịch, chi nhánh, tổ chức tín dụng tăng cường các biện pháp phòng ngừa. Mỗi ngân hàng cần tự kiểm tra, nâng cấp hệ thống an ninh, nhất là hệ thống ca-mê-ra, báo động và phát tín hiệu cần được trang bị đầy đủ, hiện đại. Xây dựng đội ngũ nhân viên bảo vệ có nghiệp vụ tốt, để khi phát hiện vụ việc ngay lập tức có phương án đối phó. Trang bị vũ khí được pháp luật cho phép sử dụng để đội ngũ nhân viên bảo vệ có khả năng phòng vệ, ngăn chặn các vụ cướp. Thường xuyên tập huấn cho nhân viên ngân hàng kỹ năng cần thiết để đối phó các vụ cướp. Nhân viên bảo vệ tại mỗi ngân hàng cần thường xuyên kiểm tra khu vực chung quanh ngân hàng để phát hiện đối tượng khả nghi, bố trí khu vực ngồi chờ riêng của khách đến giao dịch với khu vực giao dịch của ngân hàng...