Phát triển nông nghiệp hữu cơ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), từ năm 2016 đến nay, diện tích canh tác hữu cơ cả nước đã tăng từ 53.350 ha lên gần 240.000 ha. 

Hiện có gần 50 tỉnh, thành phố và 100 doanh nghiệp tổ chức thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC), với hơn 17 nghìn nông dân tham gia. Các sản phẩm NNHC chủ yếu là gạo, tôm, dừa, cà-phê, ca-cao, sữa, chè, rau, quả, quế, hồi, tinh dầu... Ngoài tiêu thụ trong nước, sản phẩm NNHC còn được xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có những thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ,Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Xin-ga-po, Pháp, Bỉ, Hà Lan, I-ta-li-a... với kim ngạch xuất khẩu khoảng 335 triệu USD/năm.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, các sản phẩm NNHC còn tốt cho sức khỏe con người và môi trường, vì vậy thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân triển khai mô hình sản xuất NNHC. Nhưng quy trình đầu tư để chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất NNHC rất tốn kém. Nhất là do hệ thống sản xuất không sử dụng, hoặc loại trừ các chất hóa học tổng hợp và chỉ sử dụng các vật tư theo quy định của tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ, nên không phải nơi nào cũng làm được. Bên cạnh đó, nhiều nhà sản xuất, quản lý còn thiếu kiến thức về NNHC; phần lớn các hộ nông dân sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún nên khó khăn trong việc tập trung diện tích để sản xuất hữu cơ. Các cơ quan quản lý lại thiếu sự phối hợp trong xây dựng tiêu chuẩn - quy chuẩn sản xuất, cấp chứng nhận nhãn mác, chất lượng các sản phẩm NNHC...

Là nước nông nghiệp, có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển NNHC, nhưng để trở thành quốc gia có trình độ sản xuất NNHC ngang bằng các nước tiên tiến, Bộ NN và PTNT cần xác định rõ tiềm năng và dự báo được xu thế phát triển NNHC trên thế giới và ở trong nước. Từ đó xác định vùng sản xuất chính, có lợi thế, với sản phẩm chủ lực và thị trường cho sản phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Đồng thời phối hợp với các ngành trong việc xây dựng, quản lý chất lượng, nhãn mác các sản phẩm NNHC khi đưa ra thị trường. 

Các địa phương, bên cạnh việc duy trì diện tích đất canh tác cần tiếp tục thâm canh, tăng năng suất bảo đảm an ninh lương thực, cần căn cứ vào diện tích đất, cũng như mặt hàng nông nghiệp chủ lực để xây dựng kế hoạch chỉ đạo phát triển NNHC. Chủ động tổ chức nghiên cứu khoa học, đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực và khuyến nông về sản xuất NNHC phù hợp Tiêu chuẩn TCVN 11041:2017 - Tiêu chuẩn quốc gia về NNHC. Bên cạnh đó, cần thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về NNHC, cũng như tổ chức  xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường sản phẩm NNHC.

Trước mắt, Bộ NN và PTNT cần phối hợp các địa phương, hiệp hội ngành hàng, người sản xuất và doanh nghiệp quán triệt, nắm rõ  quan điểm phát triển, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020 - 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt, qua đó triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của đề án một cách hiệu quả nhất, sao cho vừa phù  hợp với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, vừa góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới.