Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Toàn cầu hóa đang là xu thế tất yếu trên thế giới, mang lại nhiều cơ hội cho các quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ. Toàn cầu hóa cũng tạo điều kiện thuận lợi để mỗi công dân trở thành “công dân toàn cầu”. Đi liền với đó là sự bùng nổ và phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi để phát triển. Do vậy, quan tâm chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo công dân toàn cầu sẽ là một trong những giá trị góp phần giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Theo đó, nguồn lực công dân toàn cầu “Made in Việt Nam” hướng đến tính bền vững dựa trên nền tảng những con người Việt Nam có bản lĩnh và tầm vóc trí tuệ, vượt qua các thách thức toàn cầu trong thời đại hội nhập quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 13 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đang đàm phán ba FTA, trong đó 12 FTA đã có hiệu lực đối với Việt Nam. Việc tham gia các FTA góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6 đến 7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát. Bên cạnh những thuận lợi, việc tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA sẽ đi kèm những thách thức, nhất là năng lực cạnh tranh. Một trong những khó khăn, thách thức đó là hạn chế về nguồn nhân lực. Điều này khiến Việt Nam gặp những trở ngại trong việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây. Ngoài ra, lĩnh vực việc làm cũng đang có những sự thay đổi sâu sắc trước những tác động của biến đổi khí hậu, già hóa dân số, dịch bệnh và nhất là đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Do vậy, lựa chọn phát triển nguồn nhân lực chính là chìa khóa nâng cao năng suất lao động và tính cạnh tranh của Việt Nam nói riêng, khu vực nói chung, phù hợp một thế giới công việc đang đổi thay. 

Để thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, trước hết trách nhiệm thuộc về các trường đại học, các cơ sở đào tạo của các doanh nghiệp và của chính bản thân nguồn nhân lực trong quá trình tự đào tạo để trưởng thành trong công việc. Theo các chuyên gia về giáo dục, có ba yếu tố tạo nên thước đo về năng lực của một con người là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Việt Nam đã và đang tự hào vì nhiều người tài năng được thế giới và các nước sở tại tôn vinh. Tuy nhiên, xét về mặt bằng chung, chúng ta vẫn đang trong tình trạng lãng phí nhân lực. Nhiều trường trong nước được đánh giá tốt nhưng khi ra nước ngoài, phải đào tạo lại do không bắt kịp trình độ tiên tiến.  Các chuyên gia lao động, công đoàn cho rằng, điều kiện để lao động Việt Nam có thể học tập, làm việc được ở mọi nơi trên thế giới cần hội tụ các yếu tố ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc, hiểu biết văn hóa nước sở tại, sức khỏe tốt. Tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ của người Việt Nam đang được xếp thứ hạng thấp. Kỹ năng thực hành của lao động Việt Nam còn yếu do mới chú trọng lý thuyết, chưa thật sự có tác phong công nghiệp...

Chính vì vậy, cần đề ra các chủ trương chính sách phù hợp nhằm dẫn dắt nguồn lực xã hội vượt qua các thách thức, khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu trong nền kinh tế số. Bảo đảm nguồn tài chính cho phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nguồn nhân lực từ tất cả các thành viên xã hội. Đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo theo hướng thực hiện cơ chế tự chủ cho các cơ sở giáo dục và đào tạo. Tập trung nâng cao trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng sống cũng như thái độ của người công dân toàn cầu. Xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục và đào tạo phù hợp chuẩn quốc tế; chú trọng đào tạo kỹ năng cho người học, nhất là ở các trường nghề bằng cách tăng thời lượng thực hành, bớt thời lượng giảng dạy lý thuyết. Tăng cường giáo dục, thường xuyên cập nhật về luật pháp quốc tế, luật pháp cũng như văn hóa của các nước hiện có nhiều nhân lực Việt Nam làm việc hoặc những nước là thị trường tiềm năng của chúng ta. Cần tăng cường giáo dục thể chất để nâng cao sức khỏe nguồn nhân lực, gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng công dân toàn cầu.