Phát triển bền vững ngành hàng cà-phê

Diện tích cây cà-phê của nước ta hiện nay đạt khoảng 688.000 ha, với năm vùng sản xuất chính là: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh trung du miền núi phía bắc. Mặc dù là nước sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà-phê nhân lớn thứ hai trên thế giới nhưng người trồng cà-phê ở nước ta đang phải trải qua thời kỳ khó khăn khi giá bán liên tục biến động theo chiều hướng xấu. Cụ thể, giá cà-phê tại các tỉnh Tây Nguyên liên tục ở mức thấp, nhiều thời điểm chỉ còn khoảng 32 nghìn đồng/kg. Nhiều nông dân không bám trụ được đã phải bỏ rẫy. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 11 tháng năm 2019, xuất khẩu cà-phê chỉ đạt 2,5 tỷ USD, giảm 15,2% v

Có nhiều nguyên nhân khiến giá cà-phê Việt Nam rơi vào “vùng trũng”. Bên cạnh ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc sản xuất, chế biến và thương mại cà-phê ở nước ta hiện nay còn nhiều bất cập, ảnh hưởng chất lượng và giá bán. Cụ thể, diện tích cà-phê già cỗi chiếm tỷ lệ lớn, thâm canh chưa bền vững, các điều kiện sơ chế, bảo quản, tạm trữ cà-phê còn hạn chế, thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân khiến cho giá trị chuỗi sản xuất hàng hóa chưa cao. Phần lớn các nông hộ làm cà-phê canh tác và thu hái theo phương pháp truyền thống, thiếu quy trình chuẩn cũng như áp dụng khoa học công nghệ vào các khâu chăm sóc; khâu sơ chế cà-phê vẫn chủ yếu theo phương pháp thủ công. Trong khi đó, có tới 90% sản phẩm cà-phê ở nước ta xuất thô, cho nên giá trị kinh tế thấp. Đáng chú ý, do chưa có chiến lược toàn diện trong thúc đẩy xuất khẩu, dẫn đến cà-phê Việt Nam chưa phát huy được các lợi thế riêng để tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Chưa kể, mặc dù hiện cả nước có khoảng 150 doanh nghiệp xuất khẩu cùng hơn 3.000 đại lý tham gia thu mua cà-phê, trong đó có hơn 10 doanh nghiệp FDI, nhưng 90% số doanh nghiệp trong nước và tất cả các doanh nghiệp FDI mua cà-phê nhân thông qua thương lái và đại lý thu mua để xuất khẩu và giao dịch bán hàng thông qua hệ thống tiêu chuẩn cũ (phân loại theo độ ẩm và tỷ lệ hạt đen vỡ). Điều này dẫn đến chất lượng cà-phê xuất khẩu chưa cao, đồng thời thiếu sự liên kết trong đàm phán về giá xuất khẩu cà-phê, dẫn đến nguy cơ bị ép giá hoặc phá giá xuất khẩu.

Trong tương lai, ngành cà-phê được dự báo sẽ còn phải đối mặt không ít trở ngại, thách thức. Để vượt qua khó khăn về phía người nông dân, phải tiết kiệm chi phí đầu vào, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện giá bán. Ngoài việc tuân thủ kỹ thuật chăm sóc, thu hái, người trồng cà-phê còn cần phải chú trọng đầu tư, nâng cao kỹ thuật sơ chế sản phẩm. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần có các giải pháp giãn nợ, khoanh nợ để người dân có điều kiện duy trì vườn cây, tái sản xuất. Về lâu dài, ngành cà-phê cần đẩy mạnh tái canh, tiếp tục đầu tư vào vùng nguyên liệu, xây dựng vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sâu. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn về cà-phê bền vững, cà-phê chứng nhận, đáp ứng nhu cầu, điều kiện kỹ thuật của người mua; hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật để họ yên tâm trồng trọt. Đặc biệt, cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; phát triển hạ tầng thương mại (chợ đầu mối, siêu thị, hệ thống bán buôn, bán lẻ…), hệ thống logistics kết nối giữa người sản xuất với nhà phân phối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. Bên cạnh tập trung duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, cần nhanh chóng phát triển các thị trường tiềm năng nhất là EU và các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, các nước ASEAN...