Ðột phá mạnh mẽ từ EVFTA

Theo Bộ Công thương, từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) có hiệu lực đến nay, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi 28 nước châu Âu (EU), trong đó có nhiều lô hàng nông sản đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng thuế ưu đãi. Cụ thể, tháng 8-2020, xuất khẩu thủy sản sang EU có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7; trong đó phải kể đến sự tăng trưởng vượt bậc của mặt hàng tôm.

Trước đó, liên tiếp trong quý I và quý II-2020, xuất khẩu tôm bị sụt giảm tại thị trường EU với mức giảm tương ứng 4% và 10% so với cùng kỳ năm 2019. Từ tháng 7-2020, xuất khẩu bắt đầu phục hồi 2% và tăng mạnh 16% trong tháng 8-2020. Ðiều này cho thấy thuế nhập khẩu tôm đông lạnh vào EU giảm về 0% theo Hiệp định EVFTA đã tác động tích cực đến xuất khẩu sang thị trường này. Bên cạnh thủy sản, gạo Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu cũng đạt được những kết quả khả quan không chỉ về số lượng mà quan trọng hơn là giá gạo xuất khẩu đã tăng phổ biến từ 80 đến 200 USD/tấn tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Cùng với đó, các mặt hàng như cà-phê, trái cây cũng đang được đẩy mạnh xuất khẩu sang EU với mức giá khá cao.

Có thể thấy, EVFTA là cơ hội lớn đối với ngành nông nghiệp nước ta, và thực tế, nhiều ngành hàng đã bước đầu tận dụng được lợi thế về thuế để tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng nông sản của Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường châu Âu. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến giao thương trên toàn cầu thì những thành quả trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường khó tính bậc nhất thế giới là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của tất cả các bên liên quan, từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu. Ðiều này không chỉ có lợi cho các mặt hàng nông sản tại EU mà nó còn là một "tín chỉ" đáng giá để ngành nông nghiệp Việt Nam "ghi điểm" với nhiều thị trường chất lượng cao khác trên toàn cầu.

Tuy nhiên, những yêu cầu từ thị trường EU vốn rất khắt khe lại đang được dự báo tới đây sẽ còn nghiêm ngặt hơn nữa khi ưu đãi thuế quan được triển khai. Chính vì vậy, để xuất khẩu vào thị trường này tiếp tục tăng trưởng trong những tháng tiếp theo, đòi hỏi các ngành hàng phải có chiến lược dài hơi. Ðối với các nhóm ngành có lợi thế lớn như rau quả, thủy sản, cà-phê, gạo... thực hiện duy trì và phát triển sản xuất chuỗi khép kín từ tổ chức nguyên liệu đến chế biến, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, bảo đảm sự đồng đều về chất lượng, mẫu mã trong tất cả các lô hàng. Ðồng thời, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng về hồ sơ, thủ tục, kỹ năng thương mại để hưởng ngay thuế 0% theo EVFTA. Riêng đối với ngành hàng thủy sản, để tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang EU thời gian tới và đạt mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đạt khoảng 2,5 tỷ USD thì các địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), nhằm nhanh chóng gỡ thẻ vàng cho hải sản khai thác. Về phía các cơ quan chức năng, tiếp tục rà soát thủ tục hành chính về xuất, nhập khẩu trên cơ sở tạo thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp. Ðồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cam kết cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng nông sản và về tiếp cận thị trường để nâng cao hiểu biết cho nông dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện EVFTA.