Niềm tin mới cho hạt gạo Việt Nam

Gạo ST25 do nhóm nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng gồm: Kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sĩ Trần Tấn Phương và Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương lai tạo, phát triển vừa được công nhận là "Gạo ngon nhất thế giới 2019" tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Ma-ni-la (Phi-li-pin).

Ông Hồ Quang Cua rất tự hào về gạo ST25. Ảnh: Zing.vn
Ông Hồ Quang Cua rất tự hào về gạo ST25. Ảnh: Zing.vn

Gạo ST25 thuộc dòng lúa thơm ST gồm nhiều giống khác nhau, không ngừng được nghiên cứu chọn tạo trong hơn 20 năm qua, từ thực nghiệm trên đồng ruộng đến mở rộng vùng trồng, qua đó cải tiến và tích lũy các ưu điểm. Với chất gạo hạt dài, mặt gạo trắng, đẹp, đặc biệt có mùi thơm đặc trưng nhờ được lai tạo từ chất liệu di truyền mùi thơm hương dứa của miền nam và hương cốm của miền bắc, gạo ST 25 đã vượt qua gạo của các nước như Thái-lan, Cam-pu-chia để lần đầu nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi này sau 10 lần tổ chức trong 10 năm qua. Ðây là niềm tự hào đối với tỉnh Sóc Trăng nói riêng và ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam nói chung. Nó cũng chứng tỏ rằng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tạo ra những giống lúa chất lượng cao và gieo trồng, chế biến ra sản phẩm gạo được đánh giá là ngon nhất thế giới. Ðiều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, khi lâu nay Việt Nam luôn đứng trong tốp đầu những quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới về khối lượng nhưng chất lượng lại chưa được đánh giá cao, chưa chinh phục được một số thị trường khó tính. Trong phân khúc gạo chất lượng cao, chúng ta luôn xếp sau Thái-lan hay Cam-pu-chia. Chính vì vậy, với giải thưởng này, gạo Việt Nam sẽ có thêm niềm tin mới trong bối cảnh thị trường gạo trong nước và xuất khẩu đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn.

Tuy nhiên, để danh hiệu này phát huy hết giá trị thì cần có những bước tính dài hơn. Trong đó, cần đánh giá đúng vai trò quan trọng của công tác lai tạo giống - một trong những điểm mấu chốt xây dựng ngành hàng lúa gạo - để đầu tư nghiên cứu bài bản, có hiệu quả hơn nhằm lai tạo ra những giống mới, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Riêng đối với dòng lúa ST25, thời gian tới cần có chiến lược để phát triển. Hiện nay, lúa ST25 mới chủ yếu được trồng tại một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long cho nên sản lượng còn thấp dẫn đến lượng gạo ST25 trên thị trường chưa có nhiều. Trong khi đây là một trong những giống lúa có giá ổn định và ở mức cao trong tất cả các mùa vụ.

Sau khi được công nhận là gạo ngon nhất thế giới, hy vọng các nhà khoa học và các địa phương cũng như người nông dân sẽ "bắt tay" chặt chẽ hơn để nhân rộng diện tích, xây dựng những vùng trồng chuyên canh, bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật và chất lượng. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo nên tính đến việc đầu tư cho sự phát triển của các vùng trồng lúa ST25 để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững về lâu dài, tạo điều kiện xuất khẩu gạo ngon với giá cao. Thậm chí, sớm nghiên cứu chế biến những sản phẩm có nguồn gốc từ loại gạo này để nâng cao giá trị gia tăng. Mặt khác, từ vị thế gạo ngon nhất thế giới, các bên liên quan cũng cần sớm có các chương trình quảng bá rộng rãi để người dân biết và tin dùng. Ðiều này sẽ giúp gạo ST25 chiếm lĩnh phân khúc thị trường gạo cao cấp trong nước lâu nay vẫn bị gạo nhập khẩu lấn sân. Việc mở rộng thị trường tiêu thụ cũng chính là mở ra cơ hội trồng lúa giá cao cho hàng chục triệu nông dân, đồng thời góp phần quan trọng vào việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam.