Những cánh chim chở đầy tin yêu, hy vọng

Sau cơn lũ dữ, nhiều người tình nguyện đi vào vùng “rốn lũ” để chung tay, góp sức phần nào xoa dịu nỗi đau, gắn hàn thiệt hại về người và của cho đồng bào. Những ngày qua đã có hàng trăm chuyến xe chở hàng, chở người tình nguyện đi về miền trung. Hàng chục nghìn ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, của cán bộ đảng viên và nhân dân đã được huy động để cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả, kèm theo đó là các đợt vận động quyên góp ủng hộ tiền, hàng, nhu yếu phẩm từ khắp nơi trong cả nước.

Kiều bào ở khắp nơi trên thế giới đã quyên góp được hơn 10 tỷ đồng gửi về sẻ chia những khó khăn trong nước, trong đó riêng Việt kiều ở Thái-lan đã góp được hơn bốn tỷ đồng. Những nghĩa cử ấy, tình cảm ấy đã thể hiện tấm lòng “miền trung ruột thịt” thật vô tư trong sáng, góp phần tô thắm nghĩa đồng bào, tình nhân ái và truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc ta.

Có một điều đáng mừng trong các phong trào chia sẻ, đùm bọc và thiện nguyện này, đó là những giá trị nhân văn, nhân bản đã được lan tỏa một cách sâu rộng, trong cộng đồng, đến mọi tầng lớp xã hội. Mới đây thôi, thầy trò Trường trung học cơ sở Chu Văn An (TP Hà Nội) đã quyên góp hàng trăm triệu đồng gửi tặng thầy cô và các bạn nhỏ là học sinh trung học cơ sở, tiểu học và mầm non tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình - một trong các địa phương chịu thiệt hại. Bên cạnh những nhu yếu phẩm cần thiết còn có những cánh chim và những lá thư chan chứa tình cảm, niềm tin yêu, hy vọng. Các em học sinh Hà Nội đã chia sẻ với những người bạn không biết mặt nơi xa những tình cảm, suy nghĩ về miền trung gian khó; khắc phục khó khăn, tự tin phấn đấu. Các em cũng hẹn với nhau cùng chăm ngoan học giỏi, siêng năng vâng lời để phần nào chung tay, góp sức cùng cha mẹ, người thân và xóm giềng chống chọi với thiên tai, bão lũ. Cùng với những cánh thư là hàng nghìn con hạc giấy được các em học sinh gấp trong ba ngày, trước khi đoàn công tác của thầy cô trong trường đi về miền trung.

Ðọc những dòng chữ nắn nót, ngây thơ, hồn nhiên, mộc mạc chúng ta có thể đoán biết rằng không nhiều em từng được đặt chân đến miền trung. Qua những thông tin thời sự trên báo đài và lời kể của cha mẹ, thầy cô, các em đã có những cảm nhận về nỗi đau và sự mất mát của người dân vùng “rốn lũ”. Khi biết chia sẻ, yêu thương với những con người bị tổn thương do thiên tai, bão lũ chính là lúc chúng ta trưởng thành và trở nên mạnh mẽ. Như nhà văn Nam Cao đã từng viết hơn nửa thế kỷ trước: “Kẻ mạnh phải là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình”. Với biểu hiện đó, chúng ta hoàn toàn tự tin để khẳng định, chúng ta có một thế hệ trẻ mạnh mẽ!

Những thiệt hại trong đợt bão lũ vừa qua đối với đồng bào miền trung và cả nước là khôn cùng, nhưng cũng chính qua đó người Việt Nam ta lại có dịp thể hiện tình đoàn kết, tôn vinh niềm tự hào dân tộc. Những giá trị nhân văn không chỉ được trao truyền qua các tiết học, bài giảng mà còn qua những hành động cụ thể. Tình yêu thương, đoàn kết, thân ái đã có dịp lan tỏa, gieo mầm và thấm sâu vào thế hệ trẻ. Xếp hạc giấy để gửi gắm những tâm tình, để động viên, khuyến khích và sẻ chia với người bị tổn thương là hành động nhân văn, đầy ý nghĩa. Những lá thư, cánh hạc giấy của các em đã gợi mở nhiều vấn đề lớn. Ðó là nạn phá rừng, là khai thác tài nguyên đến mức cạn kiệt; là phương cách dự báo, đề phòng và khắc phục hiểm họa thiên tai trong tương lai. Khi các em kêu gọi trồng rừng và bảo vệ rừng, gợi ý đó khiến người lớn chúng ta phải suy ngẫm, để hạn chế, giảm thiểu nguy cơ; để dũng cảm nói “không” với những công trình, dự án phát triển không bền vững, tàn phá môi trường, tác động xấu tới dân sinh. Những lá thư, cánh hạc giấy của các em học sinh chở đầy tin yêu, hy vọng ấy dường như không chỉ là những gợi ý dành riêng cho người dân vùng lũ mà còn là sự kỳ vọng, yêu cầu đối với quá trình phát triển đất nước hôm nay.