Nghiêm túc trong từng khâu biên soạn, thẩm định sách giáo khoa

Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) vừa có thông báo về việc thẩm định đợt hai đối với sách giáo khoa (SGK) lớp 2. Ðây là SGK lớp học tiếp theo, sau bộ SGK lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào dạy học từ năm học 2020 - 2021.

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD và ÐT đã ban hành hệ thống văn bản để tổ chức biên soạn, thẩm định SGK như: Quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK... Ðối với các bộ SGK lớp 1 được phê duyệt theo đúng quy định, dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục với một phần ba thành viên là nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy môn học này ở cấp học tương ứng. Tất cả các quyển SGK lớp 1 được Bộ GD và ÐT phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường. Bộ GD và ÐT cũng có công văn chỉ đạo các địa phương, nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục.

Mặc dù đã có nhiều quy định và thực hiện theo quy trình chặt chẽ như vậy, nhưng quá trình đưa vào sử dụng đã phát hiện một số nội dung không phù hợp trong SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều. Những nội dung không phù hợp đó đã được các nhà khoa học, phụ huynh học sinh và các phương tiện thông tin đại chúng đề cập rất nhiều trong thời gian vừa qua. Hội đồng thẩm định đã nghiêm túc thực hiện các bước rà soát tổng thể nội dung bộ sách, xem xét thấu đáo các nội dung phản ánh của dư luận, có kết luận cụ thể về các nội dung cần chỉnh sửa. Một số ngữ liệu phải chỉnh sửa, bổ sung để giáo viên có thể thay thế một số đoạn, bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như các bài: Cua, cò và đàn cá (trang 115); Hai con ngựa (trang 157); Lừa, thỏ và cọp (trang 163)… Ngoài ra, cần thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như các từ: "nhá", "nom", "quà… quà", "chén"…

Một vấn đề rất lớn khiến dư luận xã hội rất băn khoăn, lo lắng là với các quy định về quy trình biên soạn, thẩm định khá chăt chẽ, đầy đủ các bước… nhưng khi đưa SGK vào thực tiễn dạy, học vẫn phát hiện ra nhiều "sạn" đến thế. Ðây cũng là vấn đề cần làm rõ, "tránh đi vào vết xe đổ" trong quá trình biên soạn, thẩm định SGK lớp 2 và các lớp tiếp theo để bảo đảm chất lượng, không xảy ra quá nhiều lỗi khi đưa vào dạy, học. Hơn lúc nào hết, ngoài hệ thống các quy định rất cần đến sự thực thi nghiêm túc trong mỗi khâu của quá trình triển khai biên soạn, thẩm định SGK. Bộ GD và ÐT cần tăng cường kiểm tra, giám sát, trong đó, cần tăng cường giám sát khâu quan trọng là thực nghiệm SGK chứ không "khoán trắng" cho các nhà xuất bản tự thực hiện như trước đây. Mặt khác, bản thảo SGK cần đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, nhất là tham khảo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, đội ngũ giáo viên phổ thông.

Đối với các nhà xuất bản, cần thực hiện nghiêm túc các quy định về quy trình biên soạn SGK, nhất là tránh tình trạng hồ sơ bản thảo "đẹp" nhưng không thực chất. Về phía hội đồng thẩm định cũng như mỗi thành viên được coi là chốt chặn quan trọng nhất trong bảo đảm chất lượng SGK cần làm việc hết sức nghiêm túc, không nể nang, xuê xoa. Kết quả thẩm định SGK không chỉ tác động "một sớm, một chiều" mà ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học sinh. Vì vậy khi thẩm định, ngoài việc rà soát hồ sơ của các nhà xuất bản, các hội đồng cần xem xét kỹ lưỡng, phân tích thấu đáo từng yếu tố, từng vấn đề trong bản thảo SGK. Mỗi thành viên cần xác định, việc thẩm định không chỉ là trách nhiệm với công việc được giao mà còn là trách nhiệm với các thế hệ tương lai của đất nước...