Nghĩa tình đồng bào

Những ngày qua, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra đối với người dân các tỉnh miền trung, công tác cứu hộ, cứu nạn cũng như giúp đỡ những người dân gặp hoàn cảnh khó khăn đang được triển khai tích cực, với sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, tổ chức, cá nhân... Đáng chú ý đã có sự vào cuộc của các chuyên gia công nghệ thông tin, các tình nguyện viên trong cộng đồng mà nổi lên là việc tham gia xây dựng, vận hành website https://cuuhomientrung.info đã giúp cho công tác cứu hộ người dân vùng lũ phát huy hiệu quả tích cực.

Website https://cuuhomientrung.info ra đời xuất phát từ nhu cầu cấp bách trên thực tế. Từ việc chứng kiến lời cầu cứu của người dân vùng lũ đăng tải tràn ngập trên khắp các trang mạng xã hội trong ngày 18-10, nhóm dự án Cứu hộ miền trung đã hình thành ý tưởng có một địa chỉ chung để kết nối nhanh nhất, hiệu quả nhất giữa người cứu hộ và những người đang lâm vào tình cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. Ngay trong đêm 18-10, phiên bản đầu tiên của website https://cuuhomientrung.info ra mắt, giúp các thông tin được tập hợp một cách khoa học, tránh phân tán, trùng lặp, đồng thời kêu gọi sự chung sức của cộng đồng. Để hoàn thiện trang website là sự đóng góp trí tuệ của hàng chục chuyên gia công nghệ thông tin trong và ngoài nước, trong đó có cả những người đang làm trong các công ty lớn như Google, Facebook,... Hiện nay trên https://cuuhomientrung.info người tham gia có thể chủ động cập nhật thông tin như: vị trí cần cứu trợ, nội dung cần cứu trợ, mức độ nguy cấp, tình trạng sức khỏe của người cần cứu trợ, thông tin liên lạc,... Cùng với đó là sự tham gia của gần 1.600 tình nguyện viên của dự án Cứu hộ miền trung thuộc nhiều ngành nghề, lứa tuổi sẵn sàng ứng chiến ở hầu khắp các địa bàn. Hằng ngày, hằng giờ, các tình nguyện viên vừa tích cực rà soát thông tin trên mạng xã hội, vừa trực đường dây nóng 24/7, tiếp nhận các trường hợp người dân gọi đến, nhanh chóng xác thực nội dung các trường hợp cụ thể sau đó đăng tải lên website. Tuy nhiên nếu các thông tin chỉ nằm trên mạng, và dù các tình nguyện viên đều hết sức nhiệt tình nhưng nếu không có sự phối hợp với lực lượng chức năng thì việc cứu hộ sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn. Do đó sau khi trình bày ý nghĩa, mục đích của mình, nhóm điều hành dự án đã được Sở chỉ huy tiền phương phòng, chống lụt bão của Quân khu 4 đặt tại Thừa Thiên Huế đồng ý tiếp nhận thông tin đầu vào cho công tác điều phối cứu hộ.

Trên trang web của dự án Cứu hộ miền trung, tính đến ngày 30-10 đã đăng tải thông tin của gần 3.000 hộ dân cần ứng cứu, trong đó rất nhiều trường hợp được đặt ở trạng thái “đã an toàn”. Thật sự xúc động khi đọc những dòng thông tin như: “7 - 8 người kẹt trong biển nước trong đó có 2 bà cụ 92 tuổi và 60 tuổi, 2 trẻ em...” và tình trạng là “đã gửi cứu hộ”; hay “Cần cấp cứu gấp sản phụ trở dạ - đang bị ngập trong biển nước” lúc 12 giờ 20 phút ngày 30-10 thì đến 12 giờ 26 phút cùng ngày đã được đặt trạng thái “đã an toàn”. Điều đó cho thấy việc xử lý thông tin và thực hiện các biện pháp cứu hộ đã được triển khai hết sức khẩn trương, xuất phát từ mong muốn cháy bỏng của những người tham gia công tác cứu giúp người bị nạn là hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả có thể xảy ra.

Dự án Cứu hộ miền trung cũng như website https://cuuhomientrung.info là một trong nhiều minh chứng sinh động đã và đang diễn ra cho thấy tinh thần tương thân tương ái, nghĩa tình đồng bào bền gốc, sâu rễ của người Việt Nam ta, bất kể là ai, làm ở lĩnh vực nào. Mỗi khi đứng trước những khó khăn, thử thách, tinh thần ấy lại được phát huy, lan tỏa trong cộng đồng, góp phần tạo nên sức mạnh, ý chí của dân tộc. Chúng ta tin tưởng rằng có sự chung sức, san sẻ của đồng bào cả nước, người dân miền trung sẽ nhanh chóng vượt qua những khó khăn trước mắt, từng bước ổn định cuộc sống.