Ngăn chặn xe chở quá tải

Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông quý I mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận định, tình trạng xe ô-tô chở quá tải vẫn đang tồn tại ở nhiều địa phương, khiến các công trình cầu, đường nhiều nơi bị xuống cấp nghiêm trọng, là nguyên nhân làm cho số vụ tai nạn giao thông cũng tăng lên. Tình trạng này không chỉ mới tái diễn trong thời gian gần đây mà đã xuất hiện từ lâu, thậm chí nhiều xe vi phạm dán cả lô-gô để nhận diện khiến dư luận nghi ngờ có “bảo kê, chống lưng” cho xe chở quá tải. Theo Phó Thủ tướng, việc chở hàng hóa quá tải trọng cần được coi là hành vi phá hoại tài sản quốc gia và yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xác minh để công bố cho người dân biết có hiện tượng “chống lưng” cho xe chở quá tải hay không, nếu có phải xử lý thật nghiêm.

Qua theo dõi, đánh giá trên phạm vi toàn quốc, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận thấy, trong năm 2020, nạn xe chở quá tải ngày càng gia tăng mức độ nghiêm trọng, nhất là ở một số tuyến đường địa phương, nơi có các mỏ vật liệu, dự án xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy xi-măng, khu công nghiệp,… Lực lượng chức năng đã kiểm tra gần 134.600 xe, trong đó có gần 14.400 xe chở quá tải, tước gần 5.500 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước gần 162,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Lực lượng thanh tra giao thông ở các địa phương chỉ kiểm tra xe chở quá tải trên các quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương, trong khi các lực lượng khác mỏng; nhiều địa phương lại chưa thật sự vào cuộc quyết liệt cho nên xe chở quá tải đã bùng phát trở lại với mức độ rất nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp còn sử dụng xe đầu kéo sơ-mi rơ-moóc chở công-ten-nơ loại 40 phít lắp ben thủy lực (kiểu tự đổ), chở quá tải tới hơn 200%... Khi bị kiểm tra, chủ doanh nghiệp và lái xe tìm mọi cách né tránh, bất hợp tác như đóng cửa xe, chống đối lực lượng chức năng. Một số địa phương chưa vào cuộc xử lý kiên quyết chủ mỏ, cảng, bến vi phạm; nhiều ban quản lý dự án, doanh nghiệp mặc dù ký cam kết không bốc xếp, tiếp nhận phương tiện chở quá tải, nhưng thực tế vẫn vi phạm. Việc kiểm tra và xử lý bốc xếp hàng hóa quá tải tại đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng chưa được duy trì thường xuyên, liên tục dẫn đến hiệu quả còn hạn chế.

Thực tế hiện nay, các chế tài để xử lý xe chở quá tải chưa đồng bộ, thiết bị cân tải trọng còn thiếu, chưa kiểm soát được toàn bộ các tuyến đường. Kinh phí cấp chi cho hoạt động này của các đơn vị, địa phương thấp, thậm chí không được bố trí; cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, điều kiện làm việc rất khó khăn, chế độ đãi ngộ kém và không thống nhất,… là những khó khăn khiến việc kiểm soát, xử lý xe chở quá tải chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Để việc kiểm soát xe chở quá tải được thường xuyên, liên tục, tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm này, lực lượng thanh tra giao thông cần phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra tại các đầu nguồn hàng như cảng, bến, nhà máy, khu công nghiệp, mỏ vật liệu,… và xử lý xe chở quá tải tại vị trí các trạm cân lưu động, cố định và trên các tuyến đường. Cùng với đó, ban hành thông tư thay thế Thông tư số 10/2012/TT-BGTVT về tổ chức và hoạt động của trạm cân xe trên đường bộ; nhà đầu tư BOT cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống cân lắp đặt tại các trạm thu phí BOT theo hướng cân tự động; xử phạt nghiêm xe cơi nới, cắt thành thùng khi đăng kiểm. Bộ Công an chủ động phối hợp Bộ Giao thông vận tải trong kiểm soát tải trọng, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp lực lượng thanh tra giao thông kiểm soát chặt xe chở quá tải lưu thông trên các tuyến đường. Các địa phương bố trí lực lượng, duy trì hoạt động trạm cân xe cố định; sử dụng cân xách tay để kiểm tra tải trọng trên các tuyến đường được giao quản lý,…