Ngăn chặn vi phạm trong hoạt động xuất bản

Hàng loạt đầu sách bán chạy của nhiều đơn vị xuất bản ngang nhiên bị chuyển thành sách nói (audio book) và đang được rao bán tràn lan trên in-tơ-nét, phổ biến nhất là trên Facebook, Youtube, và kho ứng dụng dành cho điện thoại, máy tính bảng. Tuy nhiên, chính các đơn vị xuất bản nắm giữ bản quyền những cuốn sách này cũng hoàn toàn bất ngờ trước việc sách của đơn vị mình bị một số đối tượng "cướp trắng" để kinh doanh, thu lợi phi pháp.

Sự hoành hành của sách lậu đang khiến nhiều đơn vị xuất bản lao đao. Bức xúc trước tình trạng nêu trên, mới đây ông Nguyễn Thành Nam (Phó Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ) đã phải lên tiếng trên báo chí cho biết: Ðến nay đơn vị này "chưa bán bản quyền sách nói cho bất kỳ một đơn vị nào, nên những sản phẩm sách nói của NXB Trẻ lưu hành hiện nay đều là làm lậu". Ðến nay, nhiều người vẫn chưa quên vụ việc ồn ào xảy ra vào năm 2017 liên quan đến Công ty Yeah1 Network (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh)

khi đăng tin công khai trên mạng xã hội tuyển dụng cộng tác viên thu âm sách nói với mức lương ba triệu đồng/tháng. Ðiều đáng nói là nguồn sách mà công ty này dùng để đọc và chuyển thành file thành phẩm được lấy từ nhiều đơn vị xuất bản (như: Văn học, Trẻ, Alphabooks, Nhã Nam,...) nhưng hoàn toàn không có bản quyền. Sự việc bị các thành viên Câu lạc bộ Sách Sài Gòn phát hiện và khiếu nại đến cơ quan chức năng. Chỉ ít ngày sau, Công ty Yeah1 Network phải ra thông báo dừng các hoạt động tuyển cộng tác viên đọc sách, đồng thời gửi lời xin lỗi đến các đơn vị xuất bản, các cá nhân và tập thể đang kinh doanh sách cũng như cộng đồng người yêu thích đọc sách tại Việt Nam.

Trên đây chỉ là thí dụ nhỏ cho thấy tính phức tạp trong việc ngăn chặn những vi phạm trong hoạt động xuất bản nói chung và kinh doanh audio book nói riêng hiện nay. Thực tế thời gian qua, hàng loạt các trang rao bán sách nói vẫn ngang nhiên tồn tại, bất chấp những báo cáo vi phạm từ cộng đồng mạng. Một số trang bị xử lý buộc phải đóng cửa nhưng chỉ một thời gian ngắn, những trang mới lại mọc lên với nội dung tương tự, len lỏi vào cộng đồng người yêu thích sách để quảng cáo và rao bán sách phi pháp. Vì các thông tin giao dịch đều không chính danh, thậm chí sử dụng địa chỉ ảo do đó việc phát hiện và xử lý các cá nhân, tổ chức núp bóng phía sau để thu lợi bất chính là thách thức không nhỏ đối với cơ quan chức năng. Mặt khác, vẫn có không ít độc giả chưa coi trọng vấn đề bản quyền, chấp nhận mua sách lậu vì giá thành rẻ. Với sản phẩm audio book, vì chưa nhiều đơn vị xuất bản mặn mà, có sự đầu tư thích đáng với loại hình này, cho nên thị trường bị bỏ ngỏ và đã nhanh chóng trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho một số cá nhân trục lợi.

Cần phải thấy rằng việc kinh doanh sách không có bản quyền dù dưới hình thức nào đều là hành vi vi phạm pháp luật. Hoạt động này đang tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị xuất bản làm ăn chân chính với các đối tượng làm ăn chộp giật, bất chấp thủ đoạn hòng thu lợi bất chính. Không chỉ Nhà nước bị thất thu thuế, mà những vi phạm này đang khiến việc thực thi pháp luật về bản quyền bị coi nhẹ, xem thường. Ðể giúp ngăn chặn hiệu quả vấn nạn nêu trên, rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Cụ thể, mỗi cá nhân cần nêu cao tính tự giác, phát hiện kịp thời các hành vi kinh doanh sách lậu để cảnh báo cộng đồng và cơ quan chức năng. Với những người yêu thích sách, cần lựa chọn mua sách có nguồn gốc rõ ràng, kiên quyết nói không với sách vi phạm bản quyền. Về phía các đơn vị xuất bản, cần sớm đa dạng các sản phẩm sách, nhất là sách điện tử (ebook), sách nói để đáp ứng kịp thời nhu cầu của bạn đọc. Chỉ khi có sự phối hợp hiệu quả giữa cơ quan chức năng, đơn vị xuất bản và cộng đồng, vấn nạn sách lậu mới có thể bị ngăn chặn.