Ngăn chặn nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Có thể nói trong năm qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BL, GLTM, HG) đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực khi các lực lượng chức năng đã tiến công vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm lớn về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa làm được.

Từ đó, góp phần phát triển kinh tế, bình ổn thị trường, bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống BL, GLTM, HG (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), trong chín tháng năm 2020, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, xử lý 138.374 vụ việc vi phạm, giảm 7,5%; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.386 tỷ đồng, giảm 30%; khởi tố 1.497 vụ việc, 1.800 đối tượng, giảm lần lượt 8,4% và 6% so cùng kỳ năm 2019.  

Tuy số vụ việc, đối tượng vi phạm đã giảm, song phải nhìn nhận một cách khách quan đây mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Tình hình BL, GLTM, HG còn tiềm ẩn và diễn biến cực kỳ phức tạp khi có nhiều dấu hiệu cho thấy rất nhiều vụ buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng chưa bị phát hiện, bắt giữ và xử lý.

Mặc dù các lực lượng chức năng đã rất nỗ lực đấu tranh, phòng chống BL, GLTM, HG, song công tác này còn nhiều mặt hạn chế, kẽ hở khiến cho hàng trôi nổi, kém chất lượng vẫn "nhởn nhơ" ngoài thị trường. Trong đó, phải kể đến trình độ của lực lượng chức năng chống BL, GLTM, HG chưa đồng đều, ảnh hưởng tới công tác tham mưu, phát hiện và xử lý vụ việc; một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, bao che, tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Ngoài ra, nạn BL, GLTM, HG ngày nay không chỉ ở kênh bán hàng trực tiếp mà còn diễn ra ở cả kênh bán hàng online nên ít bị phát hiện và xử lý, nhất là khi tốc độ phát triển thương mại điện tử hiện nay diễn ra nhanh. Không ít mạng xã hội, ứng dụng thương mại điện tử cũng đang bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Vì vậy, các lực lượng chức năng phải tiếp tục nâng cao năng lực, chủ động đề xuất xây dựng kế hoạch chống BL, GLTM, HG trong hoạt động thương mại điện tử, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững.

rong các tháng cuối năm và thời điểm giáp Tết Nguyên đán, hoạt động BL, GLTM, HG sẽ còn diễn biến phức tạp do nhu cầu tiêu dùng tăng cao; các đối tượng luôn tìm mọi cách để thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động theo hướng ngày càng tinh vi hơn. Do đó, để làm tốt hơn nữa công tác đấu tranh chống BL, GLTM, HG, các lực lượng chức năng, các địa phương cần tiếp tục quán triệt và phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, kế hoạch, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống BL, GLTM, HG. Ðồng thời, thường xuyên cập nhật phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm buôn lậu để phổ biến cho cán bộ công chức đề phòng, cảnh giác. Tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tăng cường quản lý, nắm chắc tình hình của từng địa bàn, tuyến, lĩnh vực trọng điểm. Tập trung lực lượng, phương tiện để làm rõ các dấu hiệu phạm tội làm cơ sở xác lập phương án đấu tranh, triệt phá có hiệu quả các đường dây, đầu nậu, chủ hàng lớn, đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp,…

MINH DŨNG