Ngăn chặn hành vi phản cảm tại các di sản văn hóa

Ngay sau khi đăng tải trên facebook ngày 18-9, đoạn phim có nội dung thô tục, nhằm mục đích "khoe thân" của T.M.H- một người mẫu, diễn viên đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội của cộng đồng. Bởi lẽ hình ảnh "thiếu vải" của người đẹp này được quay công khai tại một nóc nhà thuộc khu phố cổ Hội An (Quảng Nam). Vô hình trung, diện mạo của khu đô thị cổ kính, thâm nghiêm, được công nhận là di sản văn hóa thế giới bị lợi dụng để thực hiện những hành vi phản văn hóa. Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là một chiêu trò để nổi tiếng?

Dường như khó có thể coi là ngẫu nhiên, khi thời gian qua liên tục xuất hiện các hành vi phản cảm tại nhiều di sản văn hóa. Phổ biến nhất là tình trạng đua nhau vẽ bậy, leo trèo lên các vị trí cấm kỵ để check-in (ghi tên khi đến), chụp ảnh khỏa thân hoặc bán nude,... Nhiều bộ ảnh chụp tại khu vực di sản ra đời nhưng thiếu tính nghệ thuật mà mang đậm màu sắc dung tục, khiến dư luận bức xúc. Bên cạnh các hành vi có tính tự phát của một số cá nhân, đã xuất hiện sự tham gia của những ê-kíp hoạt động có tính chuyên nghiệp, thậm chí có sự tiếp tay của một số hướng dẫn viên du lịch, chủ cơ sở kinh doanh, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của du khách miễn là để kiếm lời. Nhiều người vẫn còn nhớ sự việc một đôi chụp ảnh cưới nằm dài trên mái nhà thuộc khu phố cổ Hội An, ẩn chứa nhiều hiểm họa mất an toàn, xuất hiện trên mạng xã hội tháng 4-2019 cũng bị cộng đồng mạng chê trách.

Những hành vi phản cảm nêu trên của một số người thiếu ý thức đã làm tổn thương các di sản, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung và sự hấp dẫn của các điểm đến ở từng địa phương nói riêng. Bởi dù các hình ảnh, đoạn phim có tính riêng tư, nhưng khi được đăng tải công khai trên mạng xã hội đã không chỉ vô tình cổ xúy hành vi xấu mà còn làm mất thiện cảm của du khách trong nước và nước ngoài khi lựa chọn điểm đến. Trong thực tế, những năm qua, ngành du lịch cùng với sự vào cuộc của nhiều tổ chức, cá nhân đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, vậy nhưng có thể chỉ vì những hành vi tùy tiện, ngông cuồng hoặc thiếu hiểu biết của một số cá nhân mà có thể gây ra những thiệt hại khó lường.

Mới đây, việc một thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới chọn Quảng Ninh, Sa Pa, Ninh Bình, Hội An làm bối cảnh để quay chương trình quảng bá sản phẩm mới thật sự làm nức lòng cộng đồng người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Bởi từ đây những hình ảnh tươi đẹp, đặc sắc của Việt Nam sẽ có cơ hội đến với bạn bè quốc tế. Do đó, chúng ta không thể không bất bình trước việc một số cá nhân chỉ vì để thỏa mãn sở thích riêng tư nên đã có những hành vi không chuẩn mực, tác động xấu đến cộng đồng, vô tình "bôi bẩn" những điểm đến du lịch.

Ngăn chặn những hành vi phản cảm tại các di sản văn hóa là việc làm không thể chậm trễ, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ, quyết liệt, có tính răn đe. Ðối với cá nhân có hành vi sai phạm, tùy theo mức độ, cơ quan chức năng xem xét biện pháp xử lý thích hợp. Cần kêu gọi trách nhiệm của cộng đồng trong việc phát hiện, ngăn chặn các sai phạm. Cụ thể, các chủ cơ sở kinh doanh, hướng dẫn viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm với di sản, thể hiện bằng việc hướng dẫn, nhắc nhở du khách có những hành vi ứng xử phù hợp. Ðồng thời, cộng đồng cũng cần kịp thời phát hiện, ngăn chặn, lên án các ứng xử vi phạm thuần phong mỹ tục, xâm hại đến trật tự công cộng cũng như các di sản. Chỉ có sự vào cuộc tích cực và đồng bộ như vậy mới đủ sức ngăn chặn những hành vi cố tình làm tổn thương di sản, tác động tiêu cực đến hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.