Ngăn chặn hành vi nhập lậu lợn

Càng gần Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu tiêu dùng của người dân càng tăng cao, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm (thịt lợn, gà, trâu, bò, hải sản, rau, củ, quả…). Đây là dịp để nhiều đối tượng thực hiện các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm hòng kiếm lời bất chính, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe mọi người.

Đơn cử, gần đây, tổ công tác Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) kiểm tra cơ sở thu gom mỡ động vật tại khu phố 1, phường Long Bình, TP Biên Hòa, do ông H.V.T làm chủ, đã phát hiện cơ sở này đang sơ chế khoảng 200 kg mỡ động vật. Tiếp tục kiểm tra trong tủ đông còn thấy khoảng 500 kg mỡ động vật và khoảng 100 kg nội tạng bốc mùi hôi thối. Chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ liên quan số sản phẩm nói trên và cho biết hằng ngày đi thu gom số nội tạng từ các cơ sở mổ lợn lậu, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở địa bàn huyện Trảng Bom và TP Biên Hòa để về chế biến rồi bán ra thị trường.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), hiện do có sự chênh lệch giá lợn và sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng tương đối cao, nên hiện tượng buôn bán, vận chuyện trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như: dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm lợn... Bộ NN và PTNT vừa có Công điện số 169/CĐ-BNN-TY về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm lợn qua biên giới, trong đó đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ một số biện pháp như: Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo, đôn đốc Ban Chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam; thành lập các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm lợn ra, vào nước ta.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không bảo đảm an toàn làm lây lan dịch bệnh. Cần chấm dứt ngay tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, nhất là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam tại các đường mòn, lối mở,… với các nước. Trong trường hợp bắt giữ được các lô hàng lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển ra, vào nước ta bất hợp pháp thì phải xử lý, tiêu hủy theo quy định. Đồng thời, lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam. Chỉ đạo lực lượng công an lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trái phép ra, vào nước ta.