Nét văn hóa trong cái Tết đặc biệt

Ba ngày Tết Tân Sửu 2021 vừa trôi qua là một trải nghiệm đáng nhớ với tất cả chúng ta. Ðây là một cái Tết đặc biệt, vì mọi người đón Tết trong bối cảnh làn sóng mới của dịch Covid-19 bùng phát. Khác hẳn dịp Tết mọi năm, nhiều người đã không đi chúc Tết, cũng ít đổ ra đường đến các tụ điểm đường hoa, phố đi bộ... dù thời tiết rất đẹp. Người dân ở trong nhà, mọi câu chuyện luôn kèm theo thông tin cập nhật về số ca bệnh mới, ở đâu. Ðó là ý thức tuân thủ việc không tập trung đông người theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Cần biết rằng, vào thời điểm cả nước đón Giao thừa năm Tân Sửu thì có xấp xỉ 130 nghìn người đang phải cách ly theo dõi y tế. Cùng với đó là hàng nghìn cán bộ y tế, nhiều nghìn người thuộc lực lượng quân đội, công an,... phải vắng nhà triền miên vì trực chiến nơi tuyến đầu chống dịch đang phải căng sức để giữ gìn sự an toàn cho cả cộng đồng.

Trong ba ngày Tết Tân Sửu 2021, các chùa, phủ lớn ở Hà Nội (như chùa Hà, chùa Trấn Quốc, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, đền Voi Phục, phủ Tây Hồ, tổ đình Phúc Khánh, chùa Quán Sứ...) không có tình trạng người dân chen lấn làm lễ, cúng bái như thời điểm này các năm trước; những người đi lễ chùa đều tuân thủ việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Hình ảnh hàng dài người đeo khẩu trang, đứng giãn cách chờ mua kem Tràng Tiền chiều 30 Tết ở Hà Nội là một hình ảnh đẹp, cho thấy ý thức tự giác cùng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 của mỗi người dân Thủ đô.

Những ngày Tết Nguyên đán cổ truyền đối với mọi người dân đất Việt, luôn là dịp quan trọng nhất trong một năm để sum họp, đoàn viên giữa các thành viên trong gia đình, giữa các thế hệ ông bà, bố mẹ và con cháu; giữa người ở nhà với người quanh năm phải mưu sinh ở phương xa. Ðó còn là dịp thiêng liêng để các thế hệ sau kết nối, tri ân, nhớ về tổ tiên, dòng tộc của mình thông qua mâm cơm cúng tất niên chiều 30 Tết. Nhưng những diễn biến rất phức tạp và khó lường của dịch Covid-19 ngay những ngày cận Tết, khiến nhiều gia đình đã phải dừng kế hoạch về quê đón Tết cùng người thân; các kế hoạch du Xuân, vui chơi trong dịp Tết của nhiều gia đình khác cũng đã phải thay đổi. Hàng chục nghìn công nhân ở các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố lớn không thể về quê mà phải đón Tết xa quê. Cùng với nỗ lực khoanh vùng, dập dịch của Chính phủ và các cơ quan chức năng, mỗi cá nhân đã phải thực hiện trách nhiệm công dân của mình, từ bỏ một số thói quen trong dịp Tết bằng việc hạn chế di chuyển, không tập trung đông người và tuân thủ các biện pháp y tế phòng dịch.

Trong dòng chảy hối hả của đời sống xã hội công nghiệp với nhiều áp lực, dịp Tết cổ truyền là lúc mỗi người dành cho mình khoảng lặng cần thiết để sống chậm lại một chút, để thấm thía về những giá trị bất biến. Và khi những hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, các chương trình bắn pháo hoa thời khắc Giao thừa bị hủy bỏ và các chuyến du Xuân đón Tết của mỗi gia đình phải hoãn lại vì lý do an toàn, thì cũng là lúc chúng ta có thêm quỹ thời gian dành cho gia đình và người thân. Và trong bối cảnh "chống dịch như chống giặc", những suy nghĩ theo thói quen lâu nay của nhiều người hóa ra đã có sự thay đổi. Dịp này đã phát huy tinh thần xã hội số, thăm hỏi, chúc Tết nhau qua điện thoại, tin nhắn, e-mail. Công nghệ viễn thông trên nền tảng số với những hình thức liên lạc như: Facetime, Zalo, Messenger, Viber, Video Calls… đã giúp cho khoảng cách về không gian bị xóa nhòa đối với những người không thể sum họp trong dịp Tết này vì những lý do bất khả kháng. Và không có ai bị "hoàn toàn mất Tết" cho dù người đó đang ở trong khu cách ly chống dịch, vì những hình ảnh động hẳn hoi của việc ăn Tết, quang cảnh ngày Tết và sự sum họp đầm ấm của nhiều gia đình đã được kết nối với những thành viên còn bận việc, dù họ ở bất cứ đâu trên dải đất hình chữ S.

Chúng ta đã có thành tích rất đáng tự hào khi khống chế và đẩy lùi hai đợt sóng đại dịch Covid-19 trong năm Canh Tý. Việt Nam đã chứng tỏ với thế giới là một đất nước đoàn kết và có ý thức kỷ luật, mỗi công dân đều biết tôn trọng quy tắc phòng dịch. Trong cái Tết đặc biệt Tân Sửu năm nay, không đi chúc Tết cũng là một nét văn hóa! Và rồi trong những ngày tháng Giêng này, hạn chế đi lễ chùa, hoặc hạn chế tham gia lễ hội dân gian truyền thống (các địa phương đã quyết định không tổ chức lễ khai hội) cũng là một nét văn hóa. Nét văn hóa của những người biết dẹp đi sự vô tâm, hời hợt và thói ích kỷ, để có trách nhiệm về sự an toàn của cộng đồng. Mong rằng mỗi người tiếp tục giữ tinh thần hợp sức, chủ động, bình tĩnh, trách nhiệm và đoàn kết để cùng nhau vượt qua mọi thử thách, khống chế và đẩy lùi đại dịch Covid-19.