Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo

Hôm nay, ngày 1-7, Luật Giáo dục (năm 2019) chính thức có hiệu lực. Luật Giáo dục mới đã làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp; luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa; quy định vị trí, chức năng hội đồng trường; quy định chính sách học phí đối với học sinh diện phổ cập…

Đáng chú ý, điểm mới của Luật Giáo dục quy định cụ thể nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và giảng viên đại học. Trong đó, trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non là có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên (trước đây là trung cấp); giáo viên tiểu học có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên (trước đây là trung cấp)… Luật cũng quy định Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo. Các nhà giáo được cử đi đào tạo bồi dưỡng được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ. 

Việc quy định mới về trình độ chuẩn được đào tạo trong Luật Giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, bảo đảm phù hợp với xu thế về chuẩn trình độ đào tạo nhà giáo của các nước trong khu vực và trên thế giới, phù hợp sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật Giáo dục sẽ có nhiều giáo viên mầm non (trình độ được đào tạo là trung cấp); giáo viên tiểu học (trình độ trung cấp, cao đẳng) và giáo viên THCS (trình độ cao đẳng) trước đây đạt chuẩn thì nay sẽ trở thành không đạt chuẩn. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo 

(GD và ĐT) cho thấy, cả nước có 725 nghìn trong tổng số hơn một triệu giáo viên các cấp đạt trình độ chuẩn theo quy định mới (chiếm 70,95%). Số giáo viên còn lại chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo (bao gồm cả giáo viên các trường công lập, ngoài công lập; giáo viên trong biên chế và giáo viên hợp đồng lao động). 

Vì vậy, để triển khai Luật Giáo dục, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản chi tiết thi hành các luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ bảy. Trong đó, Bộ GD và ĐT chủ trì xây dựng năm nghị định liên quan hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục. Đồng thời tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống văn bản về giáo dục để ban hành hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đáng chú ý, Bộ GD và ĐT thực hiện rà soát, hoàn thiện chuẩn nghề nghiệp đội ngũ giáo viên theo bậc học; tăng cường quản lý, sắp xếp, đánh giá đội ngũ giáo viên. Trong đó, ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên, và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông… 

Tuy nhiên, để Luật Giáo dục nhanh chóng đi vào cuộc sống, trong đó có vấn đề thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo cho giáo viên theo quy định mới, các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Bộ GD và ĐT cần sớm xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục, quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học và THCS, sớm có thông tư quy định về việc sử dụng giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non, phổ thông theo chuẩn nghề nghiệp, chuẩn trình độ được đào tạo, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn khi thực hiện đánh giá chuẩn nghề nghiệp, chuẩn trình độ được đào tạo của cán bộ, giáo viên... Bộ GD và ĐT cùng các địa phương cần rà soát, bố trí, sắp xếp, chọn cử giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn bảo đảm đúng độ tuổi, không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy. Cần bố trí, ưu tiên các giáo viên còn đủ ít nhất 5 năm công tác tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ được đào tạo trước. Các cơ sở đào tạo giáo viên cần chuẩn bị tốt các điều kiện về chương trình, tài liệu, học liệu, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên để thực hiện lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên bảo đảm chất lượng theo quy định mới. Đội ngũ giáo viên cũng cần không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; chủ động trong việc theo học các lớp bồi dưỡng, các khóa đào tạo theo tinh thần học tập suốt đời nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện đổi mới giáo dục hiệu quả và đáp ứng yêu cầu mới theo quy định của Luật Giáo dục.