Mở rộng vùng sản xuất trái cây có chứng nhận

Mấy ngày gần đây, vải thiều Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang liên tục được xuất khẩu sang Nhật Bản bằng đường hàng không. Ðây là những lô vải thiều đầu tiên được xử lý thành công và được chuyên gia Nhật Bản chứng nhận bảo đảm đủ điều kiện xuất khẩu. Trước đó, các chuyên gia Nhật Bản đã kiểm tra, đánh giá sản phẩm, cơ sở sơ chế, đóng gói tại Công ty Xuất nhập khẩu Toàn cầu, đồng thời phân tích mẫu sản phẩm tại các mã vùng trồng một cách kỹ càng và nghiêm ngặt. Ðây được coi là thành công lớn từ những nỗ lực cao của các cơ quan chức năng và các hộ nông dân trồng vải tại tỉnh Bắc Giang suốt một quá trình dài.

Năm 2020, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 160 nghìn tấn. Trong đó diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP) là 15.218 ha. Ngoài việc duy trì 149 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, thì đã có 19 mã số vùng trồng với diện tích 103 ha và 107 hộ nông dân tham gia được thị trường Nhật Bản chấp thuận. Thời gian tới, dự kiến mỗi tuần sẽ có hai chuyến xuất khẩu sang Nhật Bản và ước tính trong mùa vải năm nay, tỉnh Bắc Giang sẽ có khoảng 100 tấn vải thiều tươi được xuất khẩu sang thị trường này. Nhờ những thành quả bước đầu đó, mà vụ vải thiều năm nay, các hộ nông dân bớt đi gánh nặng tìm đường tiêu thụ vải, cũng như bớt đi nỗi xót xa nhìn quả vải mất giá trầm trọng mỗi khi vào vụ thu hoạch rộ mà thị trường truyền thống, trọng điểm là Trung Quốc lại bị "tắc nghẽn".

Từ câu chuyện của quả vải thiều Lục Ngạn, có thể truyền cảm hứng cho nhiều địa phương khác xây dựng chất lượng và hình ảnh cho các loại trái cây chủ lực của mình. Ðối với nhiều loại quả có thể chưa xuất khẩu sang các thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Mỹ, Ô-xtrây-li-a… thì ngay từ bây giờ cần hướng đến cách làm này, bởi lẽ thị trường Trung Quốc cũng đã có những đòi hỏi hết sức khắt khe về truy xuất nguồn gốc, mẫu mã, bao bì sản phẩm, cho nên nếu các địa phương không chuẩn bị sẵn sàng cho những yêu cầu đó thì đầu ra cho các sản phẩm trái cây sẽ còn tiếp tục là bài toán khó. Mặt khác, việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm ở thời điểm này là một trong những nhiệm vụ cấp bách để trái cây nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung có đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu chất lượng cao, giá thành hợp lý tràn vào nước ta khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.

Trước những đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng từ các thị trường, yêu cầu bắt đầu ngay từ khâu sản xuất phải thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt để bảo đảm tiêu chuẩn an toàn. Theo đó, các ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, buôn bán, sử dụng vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) phục vụ sản xuất trái cây. Ðồng thời, địa phương cần phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ phụ trách mã số vùng trồng để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hành của bà con trong suốt quá trình sản xuất, bảo đảm xây dựng thành công nhiều vùng trồng trái cây được cấp chứng nhận an toàn từ phía đối tác nhập khẩu sản phẩm. Ngoài ra, đẩy mạnh quy trình chứng nhận VietGAP, GlobalGAP theo hướng đơn giản, dễ thực hiện với chi phí hợp lý để khuyến khích người dân hợp tác tham gia. Có như vậy, những tín hiệu vui của ngành nông nghiệp như trường hợp quả vải Lục Ngạn rộng đường sang Nhật Bản sẽ ngày càng được nhân rộng đối với nhiều loại trái cây khác trên mọi vùng, miền.