Mở rộng diện tích cây vụ đông

Vụ đông 2019, các tỉnh, thành phố phía bắc gieo trồng 388.000 ha cây các loại, sản lượng đạt hơn 4,4 triệu tấn, giá trị đạt 31.500 tỷ đồng, cao hơn 2,5 nghìn tỷ đồng so với vụ đông 2018.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới giá trị thu nhập cây trồng vụ đông 2019 cao là do các địa phương đã chuyển cây trồng có giá trị thấp sang cây trồng có giá trị cao như: nhóm cây dược liệu, rau ăn củ, ăn quả, rau chất lượng cao, ngô thực phẩm, ngô sinh khối, hoa chất lượng cao, cây cảnh. Ðáng chú ý, nhiều địa phương đã đẩy mạnh sản xuất trong nhà màng, nhà lưới gắn với sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, trồng rải vụ, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất trong vụ đông có thu nhập cao như trồng súp-lơ liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân với diện tích 585 ha ở các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Bình Giang, Nam Sách, TP Chí Linh (Hải Dương) cho thu nhập từ 255 đến 310 triệu đồng/ha/vụ; mô hình sản xuất rau trong nhà lưới tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), hiệu quả kinh tế đạt 244 triệu đồng/ha/vụ…

Với thời gian sản xuất ngắn và đa dạng các loại cây trồng, thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị thu nhập cao cho nên thời gian qua nhiều địa phương xác định vụ đông là vụ sản xuất chính. Hơn nữa, vụ đông ít chịu ảnh hưởng của thiên tai, sâu bệnh hơn sản xuất lúa, nếu tổ chức sản xuất tốt thì giá trị có thể đạt 200 đến 300 triệu đồng/ha/vụ… Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu vụ đông 2020, các tỉnh phía bắc gieo trồng từ 430 đến 450.000 ha (tăng khoảng 10 đến 20% diện tích so với vụ đông 2019), trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Sản lượng phấn đấu đạt từ 4,6 triệu đến 4,9 triệu tấn (tăng 10% đến 15% sản lượng so với vụ đông 2019) với giá trị đạt khoảng 34,2 đến 36,6 nghìn tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, các địa phương cần có cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện cụ thể để hỗ trợ nông dân. Trong đó, cần tập trung vào xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ những vùng có diện tích cây vụ đông lớn, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc. Ðồng thời, hỗ trợ kinh phí cho người dân mua giống sản xuất, nhất là giống mới nhằm tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng theo hướng sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát điều chỉnh kế hoạch vùng gieo trồng phù hợp; đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, hình thành những vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Ðồng thời, chủ động tiêu thoát nước sớm, thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa vụ hè thu, vụ mùa sớm để bảo đảm thời vụ gieo trồng cây vụ đông... Khi hình thành sản xuất cần có chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định. Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng cơ cấu cây trồng phù hợp tránh tình trạng nhiều địa phương trồng một loại cây dẫn đến cung vượt cầu, nguy cơ dư thừa nông sản khiến rớt giá.