Lại phải bàn về trách nhiệm khi khai thác hình ảnh

Những ngày gần đây, một số chủ tài khoản mạng xã hội (MXH) Facebook đã đưa nhiều tin tức, hình ảnh về tình hình và hậu quả mưa lũ đang xảy ra ở miền trung. Ðáng chú ý, họ đã sử dụng hai bức ảnh khiến nhiều người, nhất là những người tâm thiện nhưng nhẹ dạ, nhân ái nhưng cả tin, lại ham chia sẻ tin, ảnh trên MXH mà không chịu kiểm chứng trước khi đăng, khiến các tin, ảnh đó lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Hai bức ảnh kèm lời bình mô tả vụ việc vừa xảy ra ở miền trung đã “câu” được rất nhiều nước mắt cộng đồng mạng nhưng hóa ra là ảnh của nước ngoài, từng xuất hiện trên MXH từ vài tháng đến vài năm trước. Bức ảnh thứ nhất chụp lại một tác phẩm điêu khắc của Trung Quốc, mô tả câu chuyện cảm động về tình mẫu tử trong một trận động đất cách đây 10 năm ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Bị tường nhà đổ vùi lấp, nhưng người mẹ vẫn ôm chặt con vào lòng, lấy thân mình che chở cho đứa con được sống. Bức ảnh này hoàn toàn chẳng liên quan gì đến mưa bão, lụt lội những ngày qua ở miền trung, nhưng đã được các “chuyên gia” - những người chuyên xào nấu tin, ảnh của cộng đồng mạng ở Việt Nam lôi về và gán ghép nó vào vụ việc “mẹ con cháu bé ở Quảng Trị ôm nhau chết trong vụ sập nhà do lũ lụt”, thành đề tài bình luận và ảnh minh họa cho rất nhiều dòng trạng thái cảm động, bi thương.

Bức ảnh thứ hai chụp một chú bé bê bết bùn đất bên ruộng ngô vốn được chụp ở Thái-lan (xuất hiện trên mạng từ tháng 6-2020) mô tả “chú bé vừa thoát khỏi lũ bùn ở miền trung”. Chỉ cần nhìn thoáng qua bức ảnh này cũng thấy sự vô lý trong bối cảnh mưa lũ ở miền trung, vì các lá ngô sau lưng chú bé đều sạch bong, đất dưới chân chú bé thì khô cong. Vậy mà một số người “nhẹ dạ” vẫn chia sẻ, bình luận sướt mướt, thương hại cho chú bé lấm bùn (vốn là người Thái-lan), rồi quay ra than trách thay cho các cháu bé trong vùng lũ lụt ở Việt Nam...

Ðáng buồn là cộng đồng mạng hoặc vô tình, hoặc cố ý lấy “hàng giả làm hàng thật”, để có cớ rơi nước mắt. Thậm chí, nhiều  cư dân mạng khi đã biết là hình ảnh, thông tin sai rồi, nhưng không sửa, vẫn cứ để nguyên dòng trạng thái và hình ảnh “đớn đau, quặn thắt” khiến nhiều người khác lấy đó làm cái cớ lên án, công kích chính quyền và các cơ quan chức năng sở tại.

Sống ở thời hiện đại, văn minh, chúng ta có rất nhiều công cụ để nhanh chóng kiểm chứng tin tức, hình ảnh. Vấn đề là mỗi người cần có ý thức cẩn trọng và tôn trọng sự thật cũng như nguồn gốc của các tin, ảnh trong việc minh họa cho các bài viết, dòng bình luận của mình trên MXH.

Hậu quả nặng nề của đợt mưa lũ lần này gây ra ở các tỉnh miền trung, với vô số hình ảnh hiện trường đã đủ đau lòng chúng ta lắm rồi. Trong khi các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, các cơ quan chức năng, các nhà hảo tâm đang gồng mình cứu trợ đồng bào và khắc phục hậu quả, thì nhiều “anh hùng bàn phím” ngồi một chỗ cóp nhặt, “xào nấu” hình ảnh để gán ghép, bịa tạc, phát tán gây hoang mang cho cộng đồng là hành động rất đáng lên án. Quy định và chế tài về trách nhiệm của người dùng MXH một lần nữa lại được đặt ra cấp bách.