Kinh tế duy trì đà tăng trưởng với nhiều động lực quan trọng

Với mức tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 ước đạt từ 2 - 3%, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so năm 2015, Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ phát huy nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hóa, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế. Điểm quan trọng nhất là các động lực tăng trưởng chính đã cơ bản vận hành trở lại, đưa nền kinh tế phục hồi nhanh trong những tháng cuối năm.

Trước tiên là động lực xuất khẩu. Đại dịch Covid-19 xảy ra khiến hoạt động thương mại thế giới suy giảm mạnh, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương với mức tăng trưởng hơn 10% từ quý III, trở thành quốc gia tăng trưởng xuất khẩu cao nhất thế giới. Đáng lưu ý, thặng dư thương mại đã lập đỉnh mới với con số xuất siêu tính đến hết tháng 10 đạt 18,72 tỷ USD, giúp đất nước gia tăng dự trữ ngoại hối và có thêm ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Trong đó, quy mô kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) trong nước tiếp tục gia tăng, bù đắp sự sụt giảm mạnh của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Có được kết quả này nhờ Việt Nam đã tận dụng được những lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và sức chống chịu dẻo dai, thích nghi nhanh của khu vực DN để sẵn sàng tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay cả khi biến động mạnh về nguyên liệu đầu vào. Công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tháng sau cao hơn… Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công cũng được cải thiện từ quý III với số vốn giải ngân bằng 150,3% so cùng kỳ nhờ sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương. Tính đến cuối tháng 10, tỷ lệ giải ngân đạt khoảng hơn 68% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Dự báo, tình hình giải ngân sẽ khả quan hơn trong hai tháng cuối năm vì nhiều dự án, công trình đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 lên 2,4% trên cơ sở đánh giá cao việc triển khai các biện pháp quyết liệt để kiềm chế thiệt hại bởi dịch Covid-19. Còn Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn sôi động trước khủng hoảng Covid-19 nhờ nắm bắt cơ hội mới về thương mại, kinh tế số để duy trì hoạt động xuất khẩu, cải cách các thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và DN. Trong đó, WB đánh giá cao sự thích nghi của Việt Nam bằng hành động đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử. Mặc dù triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vẫn tích cực với điểm sáng tăng trưởng dương nhưng các định chế tài chính khuyến cáo, Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ các rủi ro tài khóa, tài chính và xã hội đang tiềm ẩn do tình hình trong nước và toàn cầu có nhiều bất định.

Để đẩy nhanh phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, vấn đề quan trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay là thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để bảo toàn lực lượng và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, hộ kinh doanh. Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, các DN chủ lực của nền kinh tế, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá xu hướng kinh doanh quý IV ổn định và tốt lên. Do đó, các giải pháp hỗ trợ cuối năm cần tập trung củng cố thêm sức khỏe cho DN bằng cách triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ đã ban hành và nhanh chóng bổ sung gói hỗ trợ tiếp theo cho năm 2021. Bên cạnh việc duy trì đà tăng trưởng với các động lực truyền thống, cần phát triển các động lực tăng trưởng mới, nhất là kinh tế số để nắm bắt các cơ hội đem lại từ sự thay đổi chưa từng có trong hoạt động kinh tế, thương mại toàn cầu.