Kiên trì xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa

Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 với khá nhiều điểm mới, trong đó nội dung được nhiều người quan tâm là xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa (SGK). Cụ thể, khoản b Ðiều 32 của Luật quy định: "Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật". Xã hội hóa biên soạn SGK là chủ trương đúng, phù hợp yêu cầu đổi mới giáo dục và cũng là nhu cầu xuất phát từ thực tiễn.

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã thẩm định được năm bộ SGK lớp 1; các tỉnh, thành phố cũng đã lựa chọn xong bộ SGK cho địa phương mình. Ðây được coi là thành công bước đầu và là tiền đề cho sự ra đời của các bộ SGK còn lại ở bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Thực hiện nhiều bộ SGK cùng theo một chương trình là xu thế của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Tại Việt Nam, có nhiều đơn vị biên soạn, phát hành SGK được kỳ vọng sẽ giúp xóa bỏ độc quyền, tiết kiệm ngân sách nhà nước; đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, huy động được nhiều nguồn lực, trí tuệ, để học sinh và giáo viên lựa chọn được những bộ SGK có chất lượng tốt nhất. Chưa kể, nhiều bộ SGK sẽ giúp giáo viên và phụ huynh có thêm kênh tham khảo.

SGK là hàng hóa đặc biệt, là một tài liệu giáo dục quan trọng, cho nên việc xã hội hóa cần hết sức thận trọng, minh bạch, để SGK khi đến tay học sinh là những sản phẩm thật sự có chất lượng. Do vậy, vấn đề thẩm định nội dung các bộ SGK cần được ưu tiên. Thành viên hội đồng thẩm định phải bảo đảm đúng, đủ theo quyết định của Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo theo tinh thần của Thông tư 33/2017/TT-BGDÐT quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK. Tham gia thẩm định phải có những giáo sư đầu ngành về chuyên môn, đang công tác tại các trường đại học, am hiểu về nội dung, phương pháp và nhất là phải có ít nhất một phần ba giáo viên trực tiếp giảng dạy. Ðồng thời, thành viên của hội đồng thẩm định phải đại diện cho các vùng, miền, giúp SGK được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh, trên tinh thần công tâm, không có thiên kiến.

Bên cạnh nội dung, vấn đề giá SGK cũng đang được quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều. Không ít ý kiến cho rằng, năm bộ SGK mới đang được các đơn vị định giá ở mức khá cao (gấp ba đến bốn lần giá sách được sử dụng trong năm học 2019 - 2020 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), vì thế, những gia đình có thu nhập thấp, hộ nghèo khó bảo đảm đủ sách cho con em đi học. Thiết nghĩ, trước mắt, Nhà nước cần đóng vai trò điều tiết trong việc định giá SGK, bảo đảm công bằng giữa các nhà xuất bản, tránh hiện tượng các đơn vị phát hành tăng giá quá cao, ảnh hưởng người tiêu dùng và mục tiêu an sinh xã hội.

Để thực hiện thành công kế hoạch xã hội hóa việc biên soạn SGK còn rất nhiều khó khăn trước mắt nhưng thiết nghĩ, đây là một chủ trương tiến bộ, cần kiên trì và quyết tâm thực hiện, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.