Kiểm soát chất lượng cây xăng “di động”

Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương xuất hiện những trường hợp người dân vô tư bày bán xăng dầu qua các cột bơm xăng dầu tự chế, trụ bơm lắc tay, cột bơm di động (cây xăng mi-ni), thậm chí, đóng xăng dầu vào can, chai nhựa phục vụ nhu cầu khách hàng. Tình trạng này đe dọa tính mạng, tài sản của người dân cũng như công tác phòng, chống cháy nổ; quản lý, giám sát chất lượng xăng dầu trên thị trường.

Cách đây khoảng 10 năm, từng xảy ra hiện tượng hàng loạt ô-tô, xe máy đang lưu thông bỗng dưng bị cháy nổ. Nhiều người nghi ngờ do phương tiện sử dụng loại xăng E5 Ron 92 mới được đưa ra thị trường gây nên, nhưng thực chất qua điều tra, đánh giá, phát hiện do người tiêu dùng mua phải xăng dầu kém chất lượng tại những cơ sở kinh doanh không có uy tín, nhái thương hiệu. Để kiểm soát thị trường, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm và tuyên truyền để doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Sau một thời gian lắng dịu, thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng người dân bất chấp các quy định, cố tình sang chiết, bày bán xăng dầu thông qua các cột bơm di động để kiếm lợi nhuận. Điều nguy hiểm ở chỗ, toàn bộ những cây xăng mi-ni này đều hoạt động trái phép nhưng lại công khai, đặt ngay cạnh mặt đường, tuyến phố đông người qua lại, tiềm ần nguy cơ cháy nổ rất cao và không hề có cảnh báo hay biện pháp phòng, chống cháy nổ. 

Thống kê của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy  và cứu nạn, cứu hộ, trong chín tháng qua, cả nước xảy ra hơn 2.500 vụ cháy nổ, làm chết 56 người, bị thương 107 người, thiệt hại về tài sản hơn 416 tỷ đồng. Trong đó, có không ít vụ cháy nổ do kinh doanh xăng dầu trái phép, không bảo đảm quy định. Việc bán lẻ xăng dầu trái phép vẫn còn “đất sống” do công tác kiểm tra, xử lý vi phạm bị buông lỏng; mạng lưới bán lẻ xăng dầu chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, mặc dù biết xăng dầu bán tại các cây xăng mi-ni đắt hơn, chất lượng không bảo đảm, khối lượng đo lường thường không đủ nhưng vì nhu cầu nên người tiêu dùng vẫn đành “cắn răng” mua, gián tiếp tiếp tay cho hành vi sai trái.

Có thể thấy, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cần được giám sát chặt chẽ của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng từ quá trình sản xuất, phân phối, đến lưu thông và tiêu dùng. Tuy nhiên, vì hám lời nên một số đối tượng đã bất chấp các thủ đoạn để sản xuất xăng dầu giả, pha chế xăng dầu kém chất lượng đưa ra thị trường tiêu thụ. Trong đó, điểm tiếp cận và là “đất diễn” màu mỡ của những hành vi này chính là các cây xăng mi-ni, những cơ sở, kinh doanh xăng dầu thiếu uy tín, cố tình nhái thương hiệu, trà trộn sản phẩm chất lượng kém vào hệ thống tiêu thụ nhằm lừa dối khách hàng. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng quản lý thị trường, chính quyền cơ sở cần phối hợp, thanh tra nhằm phát hiện kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm; nghiên cứu tăng nặng các chế tài xử phạt đối với hành vi bán xăng dầu trái phép.  Cần quy hoạch, xây dựng thêm cây xăng mới ở vị trí phù hợp, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Về phía người dân, cần chủ động hợp tác với cơ quan chức năng trong tố giác những điểm kinh doanh sai phạm để kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định.