Khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Hiện nay, nông sản Việt Nam đang xuất khẩu đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đánh giá, nông nghiệp nước ta vẫn còn nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hơn nữa bằng cách tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, cả nước có 1.478 mô hình sản xuất theo chuỗi, 1.462 sản phẩm và 3.267 địa điểm bán sản phẩm nông sản kiểm soát an toàn theo chuỗi tại tất cả các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó là hơn 14.810 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; hơn 7.000 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô công nghiệp; hơn 25.500 hộ tham gia liên kết sản xuất với các đơn vị sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP và hơn 619 nghìn hộ tham gia liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn...

Qua thống kê, hiện nay Việt Nam đang có khoảng 500 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, thu hoạch, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu nông sản. Cùng với doanh nghiệp nông nghiệp, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp.

Là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp do có nhiều lợi thế trong sản xuất các mặt hàng nông sản mà thế giới cần, nhưng trên thực tế, nông sản nước ta chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, mới chỉ dừng lại ở mức cung ứng sản phẩm đầu vào, phần giá trị gia tăng thấp do khâu chế biến, bao gói... chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, tín dụng ngân hàng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị nông sản còn nhiều vướng mắc. Việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học - công nghệ được xem là động lực cho sự phát triển của nền nông nghiệp bền vững, tuy nhiên, việc liên kết còn yếu, số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều; hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ. Hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp thiếu minh bạch, thiếu tài sản bảo đảm dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng còn khó khăn.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân cần có các giải pháp nhằm tăng cường liên kết, nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi nông sản khi tham gia “sân chơi” toàn cầu. Trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền về liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản và các quy chuẩn tiêu chuẩn, thông tin về thị trường; tuyên truyền về các mô hình liên kết hiệu quả, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cách làm hay để nhân rộng; tăng cường áp dụng các quy chuẩn tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ nông dân kiến thức sản xuất theo các tiêu chuẩn quy định (VietGAP, GlobalGAP, Organic...), hỗ trợ về công nghệ sơ chế, đóng gói nông sản.

Đồng thời, đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, quy hoạch các vùng sản xuất, xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ vùng trồng; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; khuyến khích đầu tư vào chế biến nâng cao giá trị sản phẩm; đổi mới, hoàn thiện các chính sách, rà soát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về tiếp cận vốn, đất đai...