Khôi phục ngành chăn nuôi lợn gắn với an toàn sinh học

Kể từ khi xuất hiện tại nước ta vào tháng 2-2019, đến nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã lây lan ra 63 tỉnh, thành phố, làm hơn 4,4 triệu con lợn phải tiêu hủy, tổng đàn lợn của nước ta giảm khoảng 7%. Do dịch chưa được khống chế, nhiều địa phương chưa khuyến khích người nuôi tái đàn khiến giá thịt lợn tăng cao. Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), nếu không có giải pháp kịp thời, nguy cơ thiếu thịt lợn là rất lớn, nhất là trong dịp cuối năm 2019, đầu năm 2020.

Thời gian qua, Chính phủ, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm khống chế DTLCP. Tuy nhiên, do chưa có vắc-xin đặc trị, số hộ chăn nuôi nhỏ còn nhiều nên dịch bệnh tiếp tục lây lan. Nhiều nơi, dịch tái phát khiến việc khôi phục ngành chăn nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn.

Xác định DTLCP có khả năng còn kéo dài, Bộ NN và PTNT mới đây tổ chức hội nghị nhằm đẩy mạnh mô hình trang trại chăn nuôi áp dụng an toàn sinh học. Đây là mô hình bảo đảm cho vật nuôi phát triển, cách ly với vi khuẩn, vi-rút và các tác nhân sinh vật gây bệnh khác để có sản phẩm con giống, nguồn thực phẩm sạch bệnh. Thực tế diễn biến dịch nhiều tháng qua cho thấy, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học có khả năng chống dịch rất tốt. Chính vì vậy, bên cạnh nỗ lực dập dịch, việc mở rộng mô hình chăn nuôi áp dụng an toàn sinh học là giải pháp quan trọng nhằm chủ động đối phó dịch bệnh, giúp ngành chăn nuôi lợn hồi phục và phát triển bền vững.

Hiện nay, số lượng trang trại chăn nuôi an toàn sinh học còn ít. Cả nước mới có hơn 2.500 trang trại áp dụng mô hình này với tổng số lợn khoảng 2,8 triệu con, chiếm hơn 9% tổng đàn. Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến doanh nghiệp, người chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, hiệu quả của mô hình, đồng thời có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân đầu tư , xây dựng trang trại chăn nuôi an toàn sinh học; xử lý mạnh tay các trường hợp giết mổ, chăn nuôi không đúng quy định, xả thải bừa bãi ra môi trường.

Theo Bộ NN và PTNT, để tránh thiếu hụt nguồn cung thịt lợn cho tiêu dùng, ngay từ bây giờ, các địa phương cần xem xét, triển khai biện pháp khôi phục ngành chăn nuôi lợn nhưng phải gắn với áp dụng mô hình trang trại an toàn sinh học. Việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng tránh dịch bệnh trong quá trình chăn nuôi cũng như ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong vận chuyển, giết mổ lợn sẽ đóng vai trò quan trọng để góp phần nhanh chóng hạn chế dịch bệnh lây lan và giúp cho ngành chăn nuôi phục hồi, phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường.