Khơi dậy ý chí và nghị lực thoát nghèo

Cách đây 20 năm, vào ngày 17-10-2000, Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức phát động trong cả nước Cuộc vận động Ngày vì người nghèo và lấy ngày 17-10 hằng năm là Ngày Vì người nghèo. Trong 20 năm qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các tầng lớp nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài cùng cả hệ thống chính trị tích cực hưởng ứng Cuộc vận động này.

Ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chủ trương hướng về người nghèo đã biến thành những hoạt động cụ thể được triển khai, lan tỏa ở mọi miền Tổ quốc. Ở đâu có người nghèo là ở đó có sự sẻ chia, hỗ trợ, có những tấm lòng hảo tâm, sự đùm bọc, yêu thương. Cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam từ T.Ư tới phường, xã, thị trấn, tổ dân cư cùng các tổ chức thành viên đã phối hợp chặt chẽ để xây dựng nhà "Ðại đoàn kết" tặng hộ nghèo, có nhu cầu về nhà ở; giúp đỡ hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập đời sống; giúp đỡ hộ cận nghèo mua bảo hiểm y tế, giúp khám, chữa bệnh cho những hộ nghèo, khó khăn; tặng học bổng, sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo hiếu học…

Cuộc vận động Ngày vì người nghèo đã thật sự đi vào cuộc sống và có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc, được các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân trong nước và ngoài nước rất quan tâm, ủng hộ bằng cả tấm lòng.

Tuy nhiên, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện nay trong cả nước còn nhiều. Vẫn còn không ít người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển, vùng biên cương, hải đảo đang phải đối mặt nhiều trở ngại trong cuộc sống, cần tiếp tục được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước và toàn xã hội. Trong khi đó, đất nước ta đã và đang gặp rất nhiều thách thức trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Nhất là thời gian qua, dịch Covid-19 xuất hiện, kéo dài rồi tái bùng phát làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới những mục tiêu phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới luôn là bài toán khó bao lâu nay. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đáng chú ý như: thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn đầu tư, thiên tai, dịch bệnh, giao thông khó khăn… Chưa kể, còn nguyên nhân quan trọng khác là một số hộ nghèo chưa chủ động quyết tâm vươn lên, vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thậm chí, tâm lý đó còn tồn tại ở cả một bộ phận cán bộ, lãnh đạo địa phương khi không muốn thoát nghèo, cho nên công tác quản lý, điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa khách quan, chưa đúng theo quy định; có nơi xuất hiện hành vi vụ lợi, không trung thực, khai man, khai khống… để trục lợi chính sách.

Những vấn đề, khó khăn đặt ra trong công tác xóa đói, giảm nghèo hiện nay là không ít, phức tạp, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao của không chỉ hệ thống chính trị mà còn của từng người dân nghèo trong ý chí, nghị lực vươn lên.

Các địa phương, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về việc thực hiện chủ trương giảm nghèo nhanh và bền vững. Công tác tuyên truyền cần tạo điều kiện để chính người nghèo được tham gia vào quá trình truyền thông, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo hiểu rõ hơn về các chủ trương của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước hỗ trợ công tác giảm nghèo. Cần mở rộng việc bổ sung kiến thức, kỹ năng sản xuất cho người nghèo, tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện. Ðẩy mạnh tuyên truyền những tấm gương điển hình tiên tiến của cá nhân, tập thể trong thực hiện xóa đói, giảm nghèo để làm tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Cần nghiên cứu, triển khai xây dựng mô hình kinh tế phù hợp để đưa người nghèo trở thành "mắt xích" của các mô hình đó. Người nghèo được tạo điều kiện lao động, sản xuất và quan trọng hơn là khơi dậy ý chí thoát nghèo, từ đó có những hành động thiết thực.

Các bộ, ban, ngành ở Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, lực lượng vũ trang ở các địa phương cần có chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực, phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức chăm lo cho đồng bào nghèo. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp tổ chức tốt việc vận động và sử dụng Quỹ vì người nghèo, bảo đảm công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng.