Khởi đầu kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo

Sau hơn một năm chuẩn bị, Trung tâm Ðổi mới sáng tạo (ÐMST) đầu tiên của Việt Nam đã được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Ðây không chỉ là sự kiện đầu tiên trong năm 2021 về ÐMST mà còn là một điểm nhấn trong chiến lược triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, khởi đầu kỷ nguyên của ÐMST mà Việt Nam đang nhanh chóng nắm bắt để bứt phá vươn lên.

Ðây là nơi quy tụ các doanh nghiệp (DN), tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước; cung cấp các cơ sở nghiên cứu, không gian làm việc, thử nghiệm sản phẩm và điều kiện hạ tầng tốt nhất phục vụ cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ theo chuẩn mực quốc tế. Ðồng thời, đưa các ý tưởng ÐMST vào một hệ sinh thái đầy đủ và hỗ trợ thông qua các cơ chế thuận lợi, đặc thù, từ đó hoàn chỉnh vòng kết nối, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa sản phẩm.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã thành lập mạng lưới ÐMST Việt Nam, quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam trên thế giới để cùng góp sức với các cơ sở nghiên cứu, DN khởi nghiệp sáng tạo, các chuyên gia trong nước thúc đẩy nghiên cứu khoa học - công nghệ, ÐMST. Ðến nay, mạng lưới đã có hơn 1.000 thành viên và thiết lập 5 văn phòng tại Mỹ, Ðức, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a. Cuối năm 2020, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã ban hành Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu trước mắt nhằm thay đổi quy trình công nghệ, sản xuất, quản lý vận hành DN trên nền tảng số, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của DN, giúp ít nhất 100 nghìn DN được hỗ trợ về chuyển đổi số đến năm 2025.

Xuất phát từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2009 nhưng công nghệ, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất chưa được đầu tư cải tiến, chưa nhiều mô hình, hình thái kinh tế mới được áp dụng, triển khai hiệu quả. Nguyên nhân do thể chế, nhận thức, hạ tầng kỹ thuật còn bất cập, không đồng bộ, phân bổ nguồn lực đầu tư chưa hợp lý. Trong khi đó, khoa học - công nghệ, ÐMST, hoạt động nghiên cứu và phát triển vẫn chủ yếu do khu vực nhà nước đảm nhiệm, chưa được đa số tổ chức và DN chú trọng đầu tư. Ngân sách nhà nước dành cho phát triển khoa học - công nghệ chiếm 2% GDP/năm nhưng thực chi chỉ khoảng 0,44% GDP/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 2,23% của thế giới và càng cách biệt so với những quốc gia phát triển. Song những yếu kém này sẽ nhanh chóng trôi qua nếu Việt Nam quyết tâm nắm bắt cơ hội cuộc cách mạng 4.0 để bứt phá. "Bệ phóng" cho động lực tăng trưởng mới đang hình thành, đánh dấu bằng Quyết định số 1269/QÐ-TTg ngày 2-10-2019 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Trung tâm ÐMST đầu tiên của Việt Nam. Ðây là bước đi mạnh mẽ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc xây dựng Trung tâm ÐMST đặt "viên gạch" nền móng đầu tiên cho tương lai mới. Một số nghiên cứu, báo cáo về tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam đã chỉ ra, đóng góp của yếu tố lao động và vốn vào tăng trưởng GDP sẽ giảm mạnh trong 5 năm tới, khi đó, vai trò của năng suất các yếu tố tổng hợp có ý nghĩa quan trọng và tăng nhanh. Vì vậy, ÐMST và ứng dụng khoa học - công nghệ cần trở thành đột phá chiến lược để Việt Nam có thể bắt kịp đà phát triển nhanh chóng của tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Để ÐMST trở thành động lực tăng trưởng mới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, cần có cơ chế đặc thù tập trung thúc đẩy mạnh mẽ năng lực sáng tạo, khoa học - công nghệ. Từ đó đưa tâm thế ÐMST lan tỏa đến tất cả mọi chủ thể, trở thành niềm cảm hứng, sự hứng khởi cho mọi người dân, biến sáng tạo trở thành tài nguyên vô hạn, đưa đất nước phát triển bền vững.