Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài

Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) nhằm mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, xu thế dòng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng, đã đặt ra những vấn đề khiến cho một số dự án ĐTRNN của Việt Nam đang vấp phải các rào cản, không đạt được kết quả kinh tế như mong đợi.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tám tháng năm 2019, tổng vốn ĐTRNN của Việt Nam đạt 439,02 triệu USD, bao gồm cả vốn đăng ký mới và tăng thêm. Cụ thể, 102 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư đạt 339,49 triệu USD; 23 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với vốn tăng thêm là 99,53 triệu USD. Tính lũy kế từ năm 1989 đến nay, Việt Nam đã ÐTRNN hơn 22 tỷ USD cho các lĩnh vực thế mạnh là nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng và viễn thông. Trong đó, tập trung tại các nước như Lào, Cam-pu-chia và Mi-an-ma với vốn đầu tư chiếm gần 40% tổng vốn ÐTRNN của DN Việt Nam.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự khởi sắc của hoạt động ĐTRNN thời gian qua là nhờ việc chuẩn hóa thủ tục đầu tư và việc hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp bối cảnh mới của cơ quan quản lý, tạo sự thông thoáng và giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hiệu lực quản lý với các dự án ngoài lãnh thổ Việt Nam. Nhiều tập đoàn, tổng công ty, DN có vốn đăng ký ĐTRNN hiện đã vượt ngưỡng một tỷ USD, như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần Hoàng Anh - Gia Lai... Tuy nhiên, hoạt động ĐTRNN của các DN Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Trong đó, sự khác biệt về văn hóa, pháp luật, môi trường giữa Việt Nam và các quốc gia là nguyên nhân chính dẫn đến các tranh chấp ngoài mong muốn, ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án, quyền và lợi ích của người dân địa phương cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều DN Việt Nam ra nước ngoài kinh doanh nhưng hoạt động còn mang tính tự phát. Khi xảy ra tranh chấp tại nước sở tại, việc xử lý rất khó khăn, phức tạp do nhiều vướng mắc phát sinh ngoài tầm kiểm soát.

Vì vậy, để hoạt động ÐTRNN của DN Việt Nam phát huy hiệu quả hơn, hạn chế được các rủi ro, trước tiên các DN cần chủ động tìm hiểu, cập nhật những thay đổi thường xuyên của chính sách, có thái độ hợp tác với chính quyền, người dân ở quốc gia mà DN đang đầu tư dựa trên nguyên tắc cùng có lợi. Cần tuân thủ tốt pháp luật nước sở tại, luật pháp quốc tế và các quy định có liên quan để phòng ngừa những tranh chấp có thể xảy ra trong suốt quá trình đầu tư.

Mặt khác, Chính phủ cần xây dựng, bổ sung những chính sách thiết thực và hấp dẫn hơn để thúc đẩy các DN tăng cường ÐTRNN cũng như tăng cường giám sát chất lượng dòng vốn ÐTRNN để tránh gây tác động tiêu cực. Đồng thời có những công cụ hướng dẫn DN, kịp thời nắm bắt để giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, rủi ro trong hoạt động ÐTRNN của DN.